Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 48/2018



Lời Bác Hồ dạy: Ngày 26 tháng 11
“Nhờ ai ta có hòa bình?
Nhờ người chiến sĩ quên mình vì dân”.

Câu thơ trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Nhờ ai ta có hòa bình”, báo Nhân dân, số 273, ngày 26 tháng 11 năm 1954, bút danh “C.B”.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 là thắng lợi to lớn nhất của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi này đã tạo một bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc sự đô hộ của thực dân Pháp; miền Bắc được giải phóng, bắt tay vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cơ sở, hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khắc ghi công ơn to lớn của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả và cuộc sống độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân.






Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa

Ngày 27/11/2018 BÁC dạy “... Các chú đã đánh bật giặc ra khỏi Lào Cai. Bác vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi các chú. Sau đây là những việc cần phải làm ngay: …Thực hành chính sách toàn dân đại đoàn kết” . 

Đây là lời 1/6 việc quan trọng cần phải làm ngay theo chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi chiến sĩ và cán bộ Lào Cai”, ngày 27 tháng 11 năm 1950, Báo Sự thật, số 151, ngày 27 tháng 11 năm 1950.

Tháng 9 năm 1950, phối hợp với bộ đội chủ lực của ta trong chiến dịch Biên giới, quân dân Lào Cai đã chiến đấu kiên cường lần lượt giải phóng các địa phương trong tỉnh. Ngày 01 tháng 11 năm 1950 thị xã Lào Cai (nay là thành phố Lào Cai) sạch bóng quân thù, chiến dịch Lê Hồng Phong II kết thúc thắng lợi, Lào Cai hoàn toàn được giải phóng. Với chiến công to lớn của quân dân Lào Cai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới chiến sĩ và cán bộ Lào Cai để động viên, khen ngợi và khích lệ kịp thời chiến thắng của chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Lào Cai; Người đặc biệt quan tâm việc thực thi chính sách đại đoàn kết toàn dân.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trọng nhân nghĩa, khoan dung, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người con đất Việt, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, kết thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang.

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức và cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong mỗi giai đoạn cách mạng.

Thấu triệt lời Bác Hồ dạy, Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc, lực lượng vũ trang tỉnh và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn Lào Cai đã quán triệt và thực hiện nghiêm chính sách đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững mối quan hệ gắn bó máu thịt quân với dân, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn. Quan tâm công tác đối ngoại nhân dân, xây dựng Lào Cai trở thành địa phương giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở khu vực biên cương của Tổ quốc.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1788994834544497&set=a.129669940477003&type=3&theater





LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA
(Ngày 28 tháng 11 năm 1959)

“… Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm: là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người đã chết bỏ vào quan tài. Có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình và kiên quyết sửa chữa”.

Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói tại Hội nghị nghiên cứu Lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 28 tháng 11 năm 1959, Báo Nhân dân, số 2093, ngày 09 tháng 12 năm 1959.

Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới với đặc điểm: Đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền, miền Bắc đã có hoà bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng đang bắt đầu xây dựng một xã hội mới, miền Nam vẫn còn dưới ách đô hộ, áp bức của chủ nghĩa đế quốc. Đây cũng là thời điểm Đảng và Chính phủ, các cấp và các ngành từ Trung ương đến địa phương tiến hành công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc một cách kiên quyết và toàn diện, trên tinh thần đề cao, thật thà tự phê bình và phê bình để nghiêm túc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.

Trong sinh hoạt và hoạt động thực tiễn, mỗi con người và mỗi tổ chức đều có những ưu điểm và khuyết điểm, có mặt thuận lợi và khó khăn, có nhân tố tích cực và tiêu cực, có cái tiến bộ và cái lạc hậu. Quá trình phát triển của mỗi con người, mỗi tổ chức như thế nào và theo chiều hướng nào phụ thuộc chính vào cách thức giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt tốt - xấu, thuận lợi - khó khăn, tích cực - tiêu cực đó. Mỗi người đảng viên và tổ chức đảng cũng như vậy; muốn tiến bộ và phát triển thì phải phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Muốn sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, phải đề cao và thật thà tự phê bình và phê bình.

Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình; coi đó là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và là ý thức trách nhiệm của Đảng với nhân dân. Tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng để giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, để giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, vấn đề tự phê bình và phê bình càng trở nên cần thiết hơn.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đặc biệt là giáo dục về đạo đức cách mạng, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng hiểu rõ vai trò, sự cần thiết phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, mục đích phương pháp tự phê bình và phê bình; duy trì, thực hiện nghiêm túc nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy đảng, các tổ chức trong đơn vị. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất cao trong đơn vị, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội thực dụng, cục bộ bè phái, mất đoàn kết. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1790248231085824&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1







LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA!
Ngày 29 tháng 11: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân”.

Đây là khẳng định của Chủ tịch Hồ chí Minh trong thư gửi Hội nghị cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc, Người viết tháng 11 năm 1949.

Giai cấp nông dân là một lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định những đóng góp to lớn của nông dân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nắm vững vai trò và khả năng cách mạng của giai cấp nông dân nước ta, Đảng ta đã có đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn và sáng tạo ra phương pháp cách mạng thích hợp với khả năng và truyền thống cách mạng của nông dân nước ta. Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng, liên minh công nông đã làm cho uy tín và sức mạnh của giai cấp công nhân vượt xa số lượng; làm cho giai cấp nông dân phát huy mạnh mẽ truyền thống và khả năng cách mạng của mình; là cơ sở củng cố, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; là nền tảng vững chắc để xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân; là cơ sở để xây dựng quân đội nhân dân; là điều kiện cần thiết để chuyển cách mạng dân tộc dân chủ lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò quan trọng của nông dân đối với cách mạng Việt Nam, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/TW "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" với quan điểm: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước… Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đàm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân./.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1791579207619393&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA!

Ngày 30 tháng 11: “…Chính sách đúng là nguồn gốc thắng lợi”.

Đây là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu cho bài viết “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay”, đăng trên Báo Sự thật, số 103, dưới bút danh X.Y.Z, ngày 30 tháng 11 năm 1948.

Lúc này, phong trào cách mạng thế giới đang phát triển mạnh mẽ, ở trong nước cuộc kháng chiến kiến quốc đang được củng cố và phát triển dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, quân và dân ta vừa giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Việt Bắc đã góp phần cổ vũ toàn dân, toàn quân hăng hái tham gia kháng chiến.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và quân đội nghiên cứu, đề ra các chính sách đúng, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, đồng thời phải tổ chức thực hiện nghiêm túc các chính sách đó trong mọi điều kiện hoàn cảnh; tổ chức sự kiểm tra chu đáo, chặt chẽ việc triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương. Từ đó, đã thu hút được đông đảo các lực lượng tham gia kháng chiến, từ tầng lớp trí thức đến người dân lao động với tất cả của cải vật chất, ý chí, tinh thần, nghị lực đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong tình hình hiện nay, với đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật phù hợp của Nhà nước đã đưa đất nước ta đạt được những thành tựu bước đầu có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vẫn gặp phải sự chống phá của các thế lực thù địch, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên, tệ nạn tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân… đã ảnh hưởng đến việc thực hiện không đúng các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện lời dạy của Bác có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là cơ sở để Đảng, Nhà nước và Quân đội tiếp tục xây dựng chính sách đúng, phù hợp và thực hiện nghiêm túc ở các cấp, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đối với Quân đội ta càng phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác để quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách đối với người có công, chính sách hậu phương quân đội, đồng thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những chính sách đúng, phù hợp với tình hình phát triển của thế giới, khu vực và trong nước. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên cương vị chức trách của mình, phải nêu cao tinh thần học tập và quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác bằng những việc làm và hành động thiết thực, hiệu quả, tuyên truyền vận động nhân dân địa phương nơi đóng quân thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước./.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1792975454146435&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1






“Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân” .

Đây là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, ngày 01 tháng 12 năm 1962, đăng trên Báo Nhân dân, số 3173, ra ngày 02 tháng 12 năm 1962.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1794357864008194&set=a.129669940477003&type=3&theater






Lời Bác Hồ dạy: Ngày 02 tháng 12
“Bộ đội phải kính trọng dân, giúp đỡ dân. Dân phải thương yêu bộ đội, ủng hộ bộ đội. Quân và dân phải luôn luôn đoàn kết nhất trí”.

​Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong thư “Gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ Đường số 4 cùng dân quân du kích và đồng bào trong miền Đường số 4”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1411, ra ngày 02 tháng 12 năm 1949.

Là người trực tiếp tổ chức thành lập, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Trong đó, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết quân dân luôn được Người quan tâm đặc biệt, thường xuyên nhắc nhở, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Lời căn dặn của Bác ngắn gọn nhưng sâu sắc, là sự nhắc nhở ân cần về trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của quân đội đối với nhân dân. Thấm nhuần lời căn dặn của Hồ Chủ tịch, hơn 60 năm qua, những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã kế tiếp chăm lo xây dựng, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp, đoàn kết quân dân; gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng thương yêu dân, quý trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân; ngược lại, nhân dân cũng hết lòng yêu thương, đùm bọc, chăm sóc, giúp đỡ quân đội. Trong thời chiến cũng như trong thời bình, trong khó khăn cũng như hoạn nạn, mối quan hệ quân dân “cá - nước”, đoàn kết gắn bó keo sơn đó đã phát huy được sức mạnh hiệu quả của nó, làm cho tình đoàn kết giữa nhân dân và quân đội ngày càng thêm bền vững.

Hiện nay, trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, trước những tác động của điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là những tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế, cũng như sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn, biện pháp hết sức thâm độc nhằm chia rẽ quân đội với nhân dân, làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, tiến tới làm suy yếu, vô hiệu hóa sức mạnh chiến đấu của quân đội. Lời căn dặn của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, góp phần quan trọng định hướng nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết với nhân dân.

Thực hiện tốt lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải luôn có ý thức sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm đối với nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện phẩm chất cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Ra sức thực hiện lời dạy của Bác về “Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan hệ chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương nơi đóng quân, tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa đơn vị quân đội với địa phương; tích cực giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới; đặc biệt, luôn chủ động, dũng cảm, kịp thời giúp dân phòng, chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn...

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1795975457179768&set=a.129669940477003&type=3&theater








Xem thêm: 
  1. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 22/2018
  2. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 23/2018
  3. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 24/2018
  4. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 25/2018
  5. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 26/2018
  6. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 27/2018
  7. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 28/2018
  8. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 29/2018
  9. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 30/2018
  10. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 31/2018
  11. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 32/2018
  12. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 33/2018
  13. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 34/2018
  14. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 35/2018
  15. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 36/2018
  16. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 37/2018
  17. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 38/2018
  18. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 39/2018
  19. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 40/2018
  20. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 41/2018
  21. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 42/2018
  22. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 43/2018
  23. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 44/2018
  24. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 45/2018
  25. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 46/2018
  26. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 47/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét