Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 49/2018




LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA!

Ngày 03 tháng 12: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”.

Lời căn dặn trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, ngày 03 tháng 12 năm 1945, đăng trên Báo Cứu quốc, số 108, ra ngày 04 tháng 12 năm 1945.
Đây là thời điểm nước ta vừa mới giành được nền độc lập, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách như: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, mở rộng quan hệ với các nước tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam... Lời căn dặn của Bác có ý nghĩa sâu sắc, là sự nhắc nhở ân cần đối với đồng bào các các dân tộc hãy xóa bỏ mọi bất hòa, thành kiến, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà để bảo vệ nền độc lập đã giành được.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang quyết liệt thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, kích động ý thức về tộc người và lợi dụng sự chênh lệnh về trình độ phát triển giữa các dân tộc để tạo mâu thuẫn, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị, là nền tảng lý luận cho chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; định hướng, dẫn dắt cho hoạt động thực tiễn nhằm giải quyết tốt vấn đề dân tộc trong tình hình mới. Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta chủ trương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Hơn 70 năm qua, bằng những việc làm thiết thực như tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, phòng chống thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bài trừ hủ tục mê tín, dị đoan, tệ nạn xã hội… Quân đội ta đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn mới, phát huy bản chất và truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội nguyện kề vai sát cánh với đồng bào các dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng miền núi, vùng các dân tộc ngày càng vững mạnh, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cùng với đồng bào các dân tộc và nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.






LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA!

Ngày 04 tháng 12: “Khi phải đương đầu với kẻ địch hung ác, một dân tộc dù bé nhỏ, nếu luôn luôn cảnh giác, đoàn kết nhất trí, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh, thì cuối cùng nhất định thắng lợi”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Ủng hộ Cuba chống đế quốc Mỹ”, bút danh “T.L”, đăng trên Báo Nhân dân, số 3175, ra ngày 04 tháng 12 năm 1962.

Đây là thời điểm nhân dân Cuba vừa giành được nền độc lập và tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chịu sự bao vây, chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ hòng ngăn chặn, xóa bỏ tiền đồn chủ nghĩa xã hội ở Tây bán cầu. Lời của Bác như một chân lý, một lời hiệu triệu, cổ vũ động viên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Cuba hãy tin tưởng vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của mình, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội và dù là một dân tộc nhỏ bé, nhưng nếu luôn cảnh giác, đoàn kết nhất trí, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh, thì cuối cùng nhất định thắng lợi.

Từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, với thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đã chứng minh một chân lý của thời đại: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nhưng luôn có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, biết phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới đồng tình ủng hộ thì nhất định sẽ đánh bại bất kỳ kẻ thù xâm lược nào... Tiếp đó, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta lại một lần nữa tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ hơn chân lý trên.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Gần 60 năm đã trôi qua, lời của Bác đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, góp phần cổ vũ động viên các dân tộc dũng cảm, kiên cường giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chống mọi sự can thiệp, áp đặt và xâm lược để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc; lạc quan, tin tưởng thực hiện thắng lợi công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Thực hiện lời dạy của Bác, Quân đội ta phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng, của giai cấp, của dân tộc, là vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; kiên trì xây dựng, phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với quân đội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhận thức sâu sắc đối tượng, đối tác của cách mạng, đối tượng tác chiến của quân đội trong thời kỳ mới; ra sức thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1798489480261699&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1






Lời Bác Hồ dạy: Ngày 05 tháng 12
“Việc to cũng như việc nhỏ. Đảng và Chính phủ ta đều lo phục vụ lợi ích của nhân dân”.

Lời căn dặn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa”, bút danh “T.L”, đăng trên Báo Nhân dân, số 3176, ra ngày 05 tháng 12 năm 1962.

Đây là thời điểm miền Bắc nước ta đang đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1961-1965) nhằm không ngừng phát triển kinh tế - xã hội để trở thành hậu phương lớn chi viện cho chiến trường miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai ngụy quân, ngụy quyền giành thắng lợi, thống nhất đất nước.

Là người sáng sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh ra Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc; Chính phủ là của dân, do dân và vì dân. Do vậy, Đảng và Chính phủ phải tôn chỉ mục đích duy nhất là giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, giải phóng nhân dân khỏi mọi áp bức, bóc lột, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, phục vụ nhân dân từ việc to cho đến việc nhỏ. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo năng lực lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ.

​Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ công khai mục đích hoạt động của Đảng ta, của Chính phủ ta trước quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế, thể hiện sâu sắc, đúng đắn tính giai cấp, tính tiền phong, trí tuệ, đạo đức và tính quần chúng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tự Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, đây còn là tư tưởng chỉ đạo để Đảng và Nhà nước ta luôn hành động đúng tôn chỉ, mục đích, gắn bó mật thiết với nhân dân, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp, nhân dân lao động và của dân tộc lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

​Thấm nhuần lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tận trung với Đảng, với Tổ quốc, tận hiếu với nhân dân, không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân; ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn thấm nhuần và thực hiện đúng điều Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt; với bộ đội, cán bộ các cấp luôn thân thiết như người chị, công bình như người anh, hiểu biết như người bạn, đồng cam, cộng khổ, chi ngọt, sẻ bùi với bộ đội trên tình thương yêu đồng chí, lúc thường cũng như lúc ra trận, thực hiện toàn quân một ý chí.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1799820213461959&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA
Ngày 06 tháng 12 năm 1946
Ngày 06 tháng 12 năm 2018
“Điều kiện trừ diệt địch quân phải là điều kiện nhân hòa. Trong hai phe giao chiến, phe nào có đầy đủ điều kiện nhân hòa là phe ấy thắng. Chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hòa” .

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài “Chiến đấu vì chính nghĩa”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 427, ra ngày 06 tháng 12 năm 1946.

Đây là thời điểm nước ta vừa mới giành được độc lập và chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh là trong chiến tranh, không phải cứ nước lớn, đông dân, lắm quân, nhiều tiền, tiềm lực kinh tế, quân sự dồi dào, thì sẽ hình thành thế và lực mạnh hơn đối phương để giành thắng lợi. Vấn đề là phe nào “có đầy đủ điều kiện nhân hòa” là phe ấy thắng; tuy nhiên, để “có đầy đủ điều kiện nhân hòa”, thì phe ấy phải “vì chính nghĩa mà chiến đấu”. Lời dạy của Bác có ý nghĩa sâu sắc, phản ánh tư duy chiến lược trong xem xét, đánh giá so sánh đúng lực lượng địch và ta, làm cơ sở để hạn chế chỗ mạnh và khoét sâu chỗ yếu của chúng, bồi dưỡng và phát triển lực lượng của ta, nhằm tạo ra tình hình so sánh lực lượng có lợi cho ta, làm cho địch càng đánh càng yếu, ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng to. Thấm nhuần lời dạy của Bác, quân và dân ta đã tiếp thu, vận dụng thành công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong tương lai, nếu chúng ta buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì cho dù kẻ thù có ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự nhưng yếu tố “nhân hòa” vẫn là cơ sở vững chắc tạo nên sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta chiến thắng.

Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có những thuận lợi mới, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải thường xuyên coi trọng xây dựng, phát huy sức mạnh yếu tố “nhân hòa”, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong đó, cốt lõi nhất là phải ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ; chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.

Thực hiện lời dạy của Bác, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong đó, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt; tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội; nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên vững mạnh; tăng cường mối quan quan hệ đoàn kết cán binh và đoàn kết quân dân; chủ động đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1801171703326810&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1






LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA!

Ngày 07 tháng 12: “… chủ nghĩa đế quốc là như con “ác vàng” đã ngả về tây. Chủ nghĩa xã hội là như mặt trời mới mọc”.

Lời khẳng định trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài viết “Ai mạnh hơn?”, đăng trên Báo Nhân dân, số 1368, ra ngày 07 tháng 12 năm 1957.

Đây là thời điểm miền Bắc nước ta đang bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong điều kiện nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, kẻ thù lại thường xuyên chống phá, xuyên tạc làm cho một bộ phận nhân dân nhận thức mơ hồ về chủ nghĩa xã hội, hoài nghi về tính hiện thực của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Lời khẳng định của Bác có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng định hướng nhận thức, tư tưởng, xây dựng niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Hiện nay, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản. Do vậy, chủ nghĩa tư bản không phải là tương lai của xã hội loài người và theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Hơn 60 năm đã trôi qua, lời khẳng định của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, trong hoàn cảnh mới, Đảng ta tiếp tục tìm tòi, ngày càng làm sáng tỏ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, được khẳng định trong Cương lĩnh và văn kiện các đại hội của Đảng, là xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Để góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cán bộ, chiến sĩ toàn quân phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhận thức sâu sắc đối tác và đối tượng của cách mạng, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện, công tác, xây dựng nếp sống chính quy, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1802424776534836&set=a.129669940477003&type=3&theater






Lời bác dạy ngày này năm xưa : " Điều kiện trừ diệt địch quân phải là điều kiện nhân hòa. Trong hai phe giao chiến, phe nào có đầy đủ điều kiện nhân hòa là phe ấy thắng. Chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hòa” là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài “Chiến đấu vì chính nghĩa”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 427, ra ngày 06 tháng 12 năm 1946.

Đây là thời điểm nước ta vừa mới giành được độc lập và chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh là trong chiến tranh, không phải cứ nước lớn, đông dân, lắm quân, nhiều tiền, tiềm lực kinh tế, quân sự dồi dào, thì sẽ hình thành thế và lực mạnh hơn đối phương để giành thắng lợi. Vấn đề là phe nào “có đầy đủ điều kiện nhân hòa” là phe ấy thắng; tuy nhiên, để “có đầy đủ điều kiện nhân hòa”, thì phe ấy phải “vì chính nghĩa mà chiến đấu”. Lời dạy của Bác có ý nghĩa sâu sắc, phản ánh tư duy chiến lược trong xem xét, đánh giá so sánh đúng lực lượng địch và ta, làm cơ sở để hạn chế chỗ mạnh và khoét sâu chỗ yếu của chúng, bồi dưỡng và phát triển lực lượng của ta, nhằm tạo ra tình hình so sánh lực lượng có lợi cho ta, làm cho địch càng đánh càng yếu, ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng to. Thấm nhuần lời dạy của Bác, quân và dân ta đã tiếp thu, vận dụng thành công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong tương lai, nếu chúng ta buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì cho dù kẻ thù có ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự nhưng yếu tố “nhân hòa” vẫn là cơ sở vững chắc tạo nên sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta chiến thắng.

Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có những thuận lợi mới, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải thường xuyên coi trọng xây dựng, phát huy sức mạnh yếu tố “nhân hòa”, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong đó, cốt lõi nhất là phải ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ; chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.

Thực hiện lời dạy của Bác, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong đó, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt; tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội; nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên vững mạnh; tăng cường mối quan quan hệ đoàn kết cán binh và đoàn kết quân dân; chủ động đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1803773456399968&set=a.129669940477003&type=3&theater






LỜI BÁC HỒ DẠY - Ngày 09 tháng 12
“Khi phát triển Đảng cần phải chọn lọc rất cẩn thận, phải xem trọng chất lượng quyết không nên làm một cách ồ ạt, không nên tham nhiều”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Tiêu chuẩn của người đảng viên”, Báo Nhân dân, số 2093, ngày 09 tháng 12 năm 1959.

Là người sáng lập và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển Đảng bởi theo Người, đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa quyết định sự tồn tại và phát triển của Đảng ta. Lời dạy của Bác có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần chỉ đạo, định hướng công tác phát triển đảng viên của Đảng đúng phương hướng, có chất lượng. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng và làm tốt công tác phát triển Đảng, thu hút được những người ưu tú, tiêu biểu nhất về phẩm chất, năng lực, trí tuệ trong giai cấp công nhân, nông dân, trí thức và các thành phần xã hội khác. Nhờ đó, Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc phát triển Đảng đi đôi với củng cố tổ chức đã và đang được Đảng ta đặc biệt quan tâm trong công tác xây dựng Đảng. Lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, là kim chỉ nam định hướng đúng đắn cho toàn bộ công tác phát triển đảng viên của Đảng. Để thực hiện tốt lời dạy của Bác, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt nhiều khâu, nhiều bước theo một qui trình chặt chẽ, nghiêm túc: từ tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đến giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức, trong đó khâu tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; phải xác định và vận đúng đắn tiêu chuẩn đảng viên, đồng thời thực hiện tốt phương hướng phát triển Đảng; phát triển đảng viên phải tích cực, thận trọng, phát triển phải luôn đi đôi với củng cố Đảng và phải thực hiện tốt các bước phát triển Đảng...

Thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cấp ủy và tổ chức đảng trong Quân đội phải đặc biệt coi trọng công tác phát triển đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên có chất lượng cao, có số lượng hợp lý, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và Đảng bộ Quân đội, lãnh đạo toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đủ sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


Xem thêm: 

  1. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 22/2018
  2. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 23/2018
  3. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 24/2018
  4. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 25/2018
  5. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 26/2018
  6. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 27/2018
  7. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 28/2018
  8. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 29/2018
  9. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 30/2018
  10. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 31/2018
  11. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 32/2018
  12. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 33/2018
  13. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 34/2018
  14. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 35/2018
  15. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 36/2018
  16. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 37/2018
  17. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 38/2018
  18. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 39/2018
  19. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 40/2018
  20. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 41/2018
  21. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 42/2018
  22. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 43/2018
  23. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 44/2018
  24. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 45/2018
  25. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 46/2018
  26. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 47/2018
  27. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 48/2018



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét