Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 36/2018




LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA
Ngày 03 tháng 9
“Kiên quyết nâng cao dần mức sống của nhân dân... đồng thời giảm nhẹ dần sự đóng góp của nông dân”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài xã luận “Lễ mừng Quốc khánh 02/9/1955” đăng trên Báo Nhân dân, số 549, ra ngày 03 tháng 9 năm 1955. Trước đó, lời kêu gọi này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào sáng ngày 02 tháng 9 năm 1955 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trước hàng chục vạn đồng bào gồm đủ các giới, các dân tộc; trong thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi trọn vẹn, đất nước tạm phân chia thành hai miền, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đang tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; quân dân miền Nam đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, hướng tới cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai miền. Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi của Bác đã làm nức lòng đồng bào, nhất là tầng lớp nông dân, động viên mọi người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khắc phục trở ngại, hoàn thành thắng lợi mục tiêu hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chủ trương: “Kiên quyết nâng cao dần mức sống của nhân dân” và làm “giảm nhẹ đóng góp của nông dân” là một nội dung lớn trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nêu bật nghĩa vụ và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong hệ thống chính trị phải làm mọi cách, tìm mọi biện pháp để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa nhân dân trở thành người làm chủ, đúng với chủ trương, đường lối xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân”.


Sau hơn 40 năm hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, đất nước đang trên con đường phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với thế giới, lời của Bác dạy năm xưa vẫn mang tính thời sự sâu sắc, là mục tiêu, động lực của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mỗi người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, là người chủ của đất nước.


Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng, Bác Hồ tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, là quân đội cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc; đồng thời, đó còn là một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; do đó hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ quân đội phải luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, có trình độ kỹ, chiến thuật cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, tham gia giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, … góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.117)





Lời Bác Hồ dạy: Ngày 04 tháng 9
“Mong cán bộ ta cẩn thận từng lời nói, từng việc làm, thật thà “ba cùng”, làm đúng chính sách, để giành lấy kết quả tốt hơn trong công tác phát động quần chúng”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài viết “Những kinh nghiệm cần phải tránh trong công tác phát động quần chúng”, đăng trên Báo Nhân dân, số 221, từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 9 năm 1954, bút danh “C.B”. Đây là thời điểm miền Nam đang tiến hành đấu tranh chính trị, giữ gìn, phát triển lực lượng, chuẩn bị cho cao trào cách mạng mới; miền Bắc đang trong thời kỳ khôi phục, cải tạo và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn thận trọng trong từng lời nói, việc làm, đặc biệt là phải luôn thật thà, khiêm tốn, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm huy động sức mạnh đông đảo của quần chúng cùng hướng vào thực hiện mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng. Lời kêu gọi trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trở thành phương hướng hành động, mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, đảng viên mà còn tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân, động viên, cổ vũ nhân dân thi đua lao động, sản xuất, kháng chiến thắng lợi.


Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi tình hình thế giới, khu vực, trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp, nhanh chóng đến mọi mặt đời sống xã hội, càng nhận thấy giá trị sâu sắc lời căn dặn của Bác năm xưa; đặc biệt, nó đã trở thành định hướng quan trọng để đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác dân vận hiện nay phải vươn lên để lãnh trách nhiệm trước Đảng, trước dân, khắc phục mọi khó khăn, yếu kém, nhạy bén, tham mưu giải quyết một cách kịp thời, có hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, góp phần thiết thực vào việc củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, để cho mọi người ai cũng phải làm dân vận, ai cũng biết làm dân vận và ai cũng được làm dân vận, chứ không phải là công việc riêng cán bộ chuyên trách.


Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trong suốt hành trình hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tin yêu, giúp đỡ, đã chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do của Tổ quốc, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, được nhân dân tin tưởng, yêu mến trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, hằng năm có hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia làm công tác dân vận ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, nơi phức tạp về an ninh, chính trị, dân tộc, tôn giáo; các Đoàn kinh tế - quốc phòng đã tích cực giúp đỡ nhân dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới, tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giữ gìn an ninh chính trị… theo đúng phương châm “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” được cấp uỷ, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, tiếp tục giữ vững và phát huy tốt truyền thống tốt đẹp “đến dân mừng, đi dân nhớ, ở dân thương”.

Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1687040411406607&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA
(Ngày 05 tháng 9 năm 1954)

“Những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi”. 
Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô”, Bác nói ngày 05 tháng 9 năm 1954. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vừa mới kết thúc (07/5/1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết (21/7/1954). Để công tác tiếp quản Thủ đô được nhanh chóng, an toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp và có những lời căn dặn quý báu đối với lực lượng bộ đội và công an thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô phải giữ vững lập trường, bản chất cách mạng, luôn kiên định, trách nhiệm với công việc được giao, không dao động trước sự phồn hoa của đời sống thị thành.

Lời căn dặn của Bác ngắn gọn, nhưng súc tích, là sự nhắc nhở sâu sắc đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an cần phải giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản; gương mẫu trong mọi lời nói, hành động và việc làm; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng và chính xác, tránh sa vào những cạm bẫy của cuộc sống đời thường. Do vậy, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy phải trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, góp phần bồi dưỡng đạo đức cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, không để rơi vào cạm bẫy, sa hoa; luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng xả thân hy sinh cứu dân, chung vai sát cánh cùng nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới, nông thôn mới; có lối sống văn minh, năng động, trí tuệ, đoàn kết và kỷ luật nghiêm./.



Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1688085424635439&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1
https://www.facebook.com/loibachoday/videos/267217043911175/?fb_dtsg_ag=AdxsWMKAc1kim7QjcsYWOnVJ1c-kFOWwvIBVv1hiXLkkQA%3AAdzxcYcGQuAMA14x_2t2Tf0mxz72n-LKcZmrqsF5D4JMLg





Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 

Ngày 07/9/1957 BÁC dạy “Muốn cải tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không thể được” .Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc”, ngày 07 tháng 9 năm 1957. 

Đây là thời điểm cách mạng nước ta đang bước vào thời kỳ mới sau thắng lợi của cuộc kháng chiếnchống thực dân Pháp xâm lược. Lúc này, miền Bắc đang trong giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa. Tình hình đó đặt ra phải xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ và năng lực, đáp ứng được yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nhắc nhở đối với người đảng viên phải luôn cố gắng vươn lên, không ngừng tự hoàn thiện bản thân, tự nâng cao trình độ của mình. Đây cũng là yêu cầu của Bác, trước khi muốn cải tạo xã hội, tự thân người đảng viên phải tự cải tạo mình, tự học, tự rèn để không ngừng tiến bộ. Lời Bác dạy có tác dụng to lớn trong việc nâng cao nhận thức của người đảng viên, trước hết đối với việc xác định động cơ, thái độ phấn đấu đúng đắn, thường xuyên, liên tục, để không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực. Đồng thời, câu nói có ý nghĩa là phương châm hành động, mục tiêu phấn đấu cho mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn, là sự định hướng cho quá trình học tập, tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên. Là người lãnh đạo, đảng viên phải là lực lượng xung kích, đi đầu, phải nêu gương về mọi mặt trong thực hiện nhiệm vụ. Muốn vậy, đảng viên cần không ngừng cải tạo mình, tự học, tự rèn để nâng cao trình độ, khắc phục những hạn chế, yếu kém để hoàn thiện bản thân. Điều kiện hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên chịu tác động nhiều chiều của đời sống xã hội, trong đó có những tác động tiêu cực, đòi hỏi người đảng viên phải nâng cao bản lĩnh, trình độ, để không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực. 


Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên trong Quân đội phải thực sự là một tấm gương tốt cho bộ đội học tập, noi theo, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực chuyên môn; thường xuyên có ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện mình. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao, do vậy phải có động cơ, thái độ đúng đắn, rõ ràng. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự ý thức được ý nghĩa của việc “tự cải tạo”, “tự nâng cao”, coi đó là một nhu cầu tự thân. Không tự ti, giấu dốt, luôn có thái độ cầu tiến bộ, xóa bỏ tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, vì tập thể, đặt lợi ích của tập thể lên trên, lên trước. Có như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên mới thực sự mẫu mực về phẩm chất và năng lực, là tấm gương có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1690188104425171&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





Lời Bác Hồ dạy: Ngày 08 tháng 9
“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội nhà báo Việt Nam”, ngày 08 tháng 9 năm 1962, được đăng trên Báo Nhân dân, số 3089, ra ngày 09 tháng 9 năm 1962.

Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cách mạng nước ta đang trên đà phát triển; miền Bắc đang tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Trong sự nghiệp cách mạng đó, báo chí giữ một vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào những thắng lợi của nhân dân ta. Tới dự và phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý kiến chỉ đạo sâu sắc, định hướng cho sự phát triển của báo chí cách mạng trong thời kỳ này. Câu nói của Bác khẳng định vai trò của tiếng nói, là một tài sản quý báu của dân tộc, không chỉ những người làm công tác báo chí, mà mỗi người chúng ta đều phải có ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị to lớn của tiếng Việt trong sự nghiệp cách mạng. Lời Bác dạy năm xưa đến nay vẫn có giá trị, ý nghĩa sâu sắc, có tác dụng định hướng trong việc sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng, chuẩn xác và phải có ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, làm cho nó lan tỏa, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của nền văn hóa mới trong xu thế hội nhập và phát triển.


Hiện nay, quá trình hội nhập và sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến việc sử dụng ngôn ngữ, tiếng nói. Bên cạnh những tác động tích cực, tình trạng sử dụng tiếng Việt chưa chuẩn xác, thậm chí kết hợp với các từ ngữ nước ngoài diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, sự du nhập của nhiều yếu tố ngoại lai, việc sử dụng ngôn ngữ tự sáng tác trên mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ hoặc như ý tưởng đề xuất thay thế tiếng Việt đang sử dụng thành bản tiếng Việt mới nhưng thiếu thực tế của một vài cá nhân đã xâm hại một cách nghiêm trọng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Để giữ gìn tài sản quý báu của dân tộc không bị mai một, mỗi người chúng ta phải luôn nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ của mình, cả trong văn nói và văn viết. Không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ sử dụng ngôn từ thuần Việt, trước hết là sử dụng chính xác, hạn chế việc dùng tiếng nước ngoài khi không cần thiết. Đặc biệt cần phải kiên quyết loại bỏ việc pha trộn bừa bãi giữa tiếng Việt với tiếng nước ngoài, sử dụng các từ ngữ méo mó, biến dạng, làm mất đi giá trị vốn có của ngôn ngữ dân tộc.


Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị to lớn của tiếng Việt. Trước hết, phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng trong giao tiếp hằng ngày, không dùng từ ngữ thô tục. Trong quá trình công tác, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động phải căn cứ vào đối tượng và mục đích tuyên truyền để sử dụng ngôn từ cho phù hợp, dễ nghe, dễ hiểu. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn có ý thức tự học, nâng cao trình độ nói và viết sao cho chặt chẽ, logic, tránh dùng những từ đa nghĩa, khó hiểu. Có như vậy, mới hạn chế được những sai sót, góp phần bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt./.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1691222640988384&set=a.129669940477003&type=3&theater





Lời Bác Hồ dạy: Ngày 09 tháng 9
“Lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng nó, phải tiết kiệm ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc”, ngày 09 tháng 9 năm 1952. Bước vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhu cầu lương thực, vũ khí cho chiến trường ngày càng lớn, trong khi công tác hậu cần, tiếp tế ngày càng khó khăn, gian khổ. Dự Hội nghị cán bộ chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ý kiến định hướng và chỉ đạo, đồng thời động viên, khơi dậy tinh thần quyết tâm của cán bộ tại Hội nghị. Câu nói của Bác là sự khẳng định vai trò to lớn của lương thực, vũ khí đối với sự nghiệp kháng chiến của quân và dân ta, là nguồn sức mạnh giúp bộ đội yên tâm cầm súng chiến đấu, tin tưởng vào thắng lợi. Lời dạy của Bác là sự căn dặn về thái độ của mỗi cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận đối với lương thực và vũ khí, từ đó có trách nhiệm bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nhất, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Lời dạy của Bác năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn đối với mọi cấp, mọi ngành, mọi người về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mặc dù sự nghiệp đổi mới đã và đang thu được nhiều thành tựu to lớn, nhưng đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển đất nước phải tiết kiệm, hợp lý. Những tài sản của Nhà nước, bộ máy chính quyền các cấp đều từ đóng góp của người dân, đòi hỏi người sử dụng phải có ý thức giữ gìn, bảo quản và sử dụng tiết kiệm. Mỗi người cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, thực hiện cần, kiệm, đóng góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng đất nước.


Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua: “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Đơn vị quân y 5 tốt”… và cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” đã phát huy tinh thần tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền các loại vũ khí, trang bị trong biên chế. Trước hết, mỗi người cần phải có nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò của việc tiết kiệm và sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm, điện, nước, chất đốt, vũ khí trang bị… Trên cơ sở đó, cụ thể hóa trong công tác hằng ngày, bằng việc tiết kiệm những tiêu dùng không cần thiết như điện, nước, lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm…; bảo quản và sử dụng đúng mục đích các loại vũ khí, khí tài, trang bị trong huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ. Đặc biệt, trong công tác quản lý, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, vừa thực hiện đúng, đủ tiêu chuẩn, chế độ cho bộ đội, vừa không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lãng phí. Ngoài ra, phải đấu tranh kiên quyết và có hiệu quả với những biểu hiện lãng phí, những hành vi sai trái trong bảo quản, sử dụng không đúng mục đích các trang thiết bị, thiết thực góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1692407264203255&set=a.129669940477003&type=3&theater







Xem thêm: 
Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 26/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét