Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 39/2018




Lời Bác Hồ dạy: Ngày 24 tháng 9
“Trên mặt trận nông nghiệp, mỗi đồng bào nhà nông phải là một chiến sĩ xung phong.
Chiến sĩ trước mặt trận thì xung phong giết giặc bằng súng đạn.
Chiến sĩ nhà nông thì xung phong giết giặc bằng cày cuốc, nghĩa là phải xung phong tăng gia sản xuất, để giúp cho bộ đội đủ ăn đủ mặc để đánh giặc”.


Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Việt Bắc quyết thắng”, Người viết khoảng cuối tháng 9 năm 1949. Đây là thời điểm cách mạng nước ta gặp rất nhiều khó khăn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rút về căn cứ địa Việt Bắc để bảo toàn và phát triển lực lượng, chỉ đạo cả nước trường kỳ kháng chiến.

Thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, quân và dân ta đã chung sức, đồng lòng, kề vai sát cánh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hậu phương thi đua tăng gia sản xuất giỏi với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường thi đua giết giặc lập công, với khẩu hiệu “mỗi viên đạn là một quân thù” tiến hành cuộc kháng chiến ba nghìn ngày, với tinh thần: “Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…” đã làm nên một Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong thành tích vẻ vang đó, có công sức đóng góp rất lớn của nông dân, nông nghiệp Việt Nam, đã xây dựng nên một hậu phương lớn chi viện kịp thời cho tiền tuyến ăn no, đánh thắng, càng đánh càng mạnh.


Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của nông nghiệp, nông dân vẫn còn nguyên giá trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân và nông nghiệp Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, từ một quốc gia nhiều năm thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu, là thành viên quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực của thế giới. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp và nông dân Việt Nam đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đạt chuẩn của các nước phát triển và thâm nhập nhiều thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc... vị thế, vai trò của người nông dân, của ngành nông nghiệp được nâng cao có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần nâng cai vị thế, uy tín của quốc gia trên trường quốc tế, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận.






LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA!

Ngày 25 tháng 9: "Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà”. Đây là lời dạy của Bác Hồ trong buổi nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái, ngày 25-9-1958, được Báo Yên Bái đăng số 240, ngày 10-10-1958. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cán bộ, đồng bào các dân tộc Yên Bái được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân; là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Khi đề cập đến vị trí, vai trò của đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân. Để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ, cách mạng muốn thành công và “thành công đến nơi”, phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững. Muốn cách mạng thành công phải có lực lượng cách mạng, muốn có lực lượng cách mạng phải thực hiện đoàn kết.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được Đảng ta xác định là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu, phải được quán triệt trong tất cả các lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách đến hoạt động thực tiễn. Đại hội XII chỉ rõ: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, quán triệt và thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau như ruột thịt, trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, nghĩa đồng đội và trở thành lời thề danh dự của mỗi quân nhân, trở thành sức mạnh để Quân đội ta chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ dân, giúp đỡ dân, được dân tin, dân yêu và trìu mến trao tặng danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ-một biểu tượng cao đẹp của quân nhân cách mạng, một nét độc đáo, đặc sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.






Lời Bác Hồ dạy: Ngày 26 tháng 9
“Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”, đăng trên báo Cứu quốc, số 51, ngày 26 tháng 9 năm 1945, ký bút danh Chiến Thắng.

Đây là thời điểm cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới giành được thắng lợi, mở ra bước ngoặt vĩ đạitrong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Tuy nhiên, đã xuất hiện tư tưởng tự cao, tự đại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; để kịp thời phê bình, chấn chỉnh và khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài: “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”, đăng trên báo Cứu quốc.

Lịch sử ra đời, hoạt động và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng đã chứng minh, chỉ khi nào Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nghiêm túc tự phê bình và phê bình thì khi đó Đảng mới có thể nhận thức được đúng quy luật khách quan và có quyết sách đúng đắn để tạo chuyển biến, đưa cách mạng tiến lên. Đây là công việc khó, đòi hỏi phải có dũng khí, có phương pháp, phải “thấu tình đạt lý” mới mang đến hiệu quả thiết thực. Bởi vì, nó đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình.


Thấu triệt lời Bác Hồ dạy, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân luôn gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện việc tự phê bình và phê bình ở mọi cấp, mọi ngành. Đặc biệt, để tự phê bình và phê bình đi vào thực chất và hiệu quả, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt phải gương mẫu, đi đầu trong tự phê bình và phê bình; qua đó, tạo không khí dân chủ, biết và dám tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy phải có thái độ nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá đúng ưu, nhược điểm của các cấp ủy viên, các đảng viên, nhất là các đồng chí cán bộ chủ trì, chủ chốt để kịp thời sửa chữa sai sót, yếu kém, đồng thời thực hiện tốt việc“nói phải đi đôi với làm”, “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động”, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Phê phán những tư tưởng, thái độ nể nang, hữu khuynh “im lặng là vàng”, hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.






LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA!

Ngày 27 tháng 9: “Xem xét nơi nào quân địch có thực lực mạnh để tránh và nơi nào quân địch yếu để tiến công, như thế là xem xét tình hình hư thực của bên địch. Biết rõ được thế hư thực của địch, mới có thể bày được mưu kế tiến thoái”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bài viết giới thiệu “Binh pháp Tôn Tử” với nhan đề “Bàn về kế hư thực”, ký tên Q.Th, đăng trên Báo Cứu quốc, số 358, ra ngày 27 tháng 9 năm 1946. 

Binh pháp Ngô Tôn Tử, là sách chiến lược, chiến thuật chữ Hán do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 TCN đời Xuân Thu, không chỉ đặt nền móng cho binh học truyền thống, mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Bởi vậy Binh pháp Tôn Tử được tôn xưng là “Tuyệt tác binh thư” hàng đầu của thế giới cổ đại. Không những rất được tôn vinh tại Trung Hoa mà kiệt tác này còn được hết mực ca ngợi ở nhiều nước. Đây được xem là một trong những binh thư kinh điển trong lịch sử quân sự thế giới.

Vận dụng và phát triển sáng tạo binh pháp Tôn Tử về dụng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quyết đoán, dũng cảm, nhanh chóng khi tiến công, phải vừa nhanh vừa có mưu kế giỏi mới thắng địch. Để có sẵn cơ mưu, người chỉ huy quân sự khi tác chiến phải tính đến cả hai trường hợp thuận lợi và khó khăn, để trong bất kỳ tình thế nào cũng có sẵn mưu kế để phát huy thắng lợi hoặc hóa giải thất bại.


Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự là bài học vô giá đã được vận dụng sáng tạo, hiệu quả, góp phần bổ sung, phát triển và làm phong phú nghệ thuật quân sự Việt Nam cả về chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, cả trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ, trong chiến đấu tiến công và chiến đấu phòng ngự… để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là nền tảng tư tưởng cơ bản để Đảng, Nhà nước, Quân đội ta tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam… Đặc biệt, việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tăng cường tiềm lực quốc phòng trên địa bàn cả nước theo ý định chiến lược được thực hiện tốt, nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ của đất nước, đảm bảo đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc. Lực lượng trên các hướng chiến lược được bố trí, điều chỉnh hợp lý. Hệ thống công trình phòng thủ được triển khai theo quy hoạch, kế hoạch thống nhất, tập trung cho địa bàn chiến lược trọng điểm. Đề án Quy hoạch xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ đến năm 2020 và những năm tiếp theo được triển khai tích cực, góp phần hoàn chỉnh thế trận của từng địa phương, từng quân khu và cả nước. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, đảm bảo đủ sức tự giải quyết các tình huống quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn.

Học tập và làm theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đặt ra yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần phải bám sát và thực hiện tốt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại và luyện tập, diễn tập ở các cấp, như: diễn tập vòng tổng hợp, diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng có bắn đạn thật, diễn tập bảo vệ chủ quyền biển, đảo kết hợp với bắn kiểm tra các loại vũ khí mới, diễn tập khu vực phòng thủ.. sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch, kể cả khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống./.


Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1711914545585860&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (28/9/1951)

“Ngụy binh cũng là con dân nước Việt, nhưng vì dại mà đi lầm đường, cho nên tôi và Chính phủ sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Thư gửi các ngụy binh”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1915, ra ngày 28 tháng 9 năm 1951.

Lời của Bác thể hiện rõ tấm lòng khoan dung, độ lượng của Đảng, Chính phủ đối với tất cả mọi đối tượng, trong đó có những người lầm đường, lạc lối nay mong muốn trở về. Tư tưởng, phẩm chất khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh biểu hiện ở lòng yêu thương sâu sắc đối với con người, ở cái nhìn rộng lượng đối với những giá trị khác biệt với mình, ở sự tôn trọng niềm tin của người khác, không độc tôn chân lý, không áp đặt ý kiến của mình lên người khác, xa lạ với mọi thái độ kỳ thị, cuồng tín, giáo điều. Đây là sự biểu hiện niềm tin của Người vào phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người, dù nhất thời họ có lầm lạc, nhỏ nhen, thấp kém… Hồ Chí Minh luôn tin rằng với sức mạnh cảm hoá của cách mạng và của giáo dục, những con người nhất thời lầm lạc vẫn có thể cải tạo, vươn lên, trở thành có ích cho xã hội, bởi theo Bác: Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ phần nhiều do giáo dục mà nên.

Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn thực hiện nghiêm chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với tù hàng binh, với lòng nhân ái, vị tha, khoan hồng, giáo dục họ, phóng thích và trả về đoàn tụ cùng gia đình, kể cả binh lính Pháp, Mỹ, cũng như lính chư hầu các nước, góp phần giảm tổn thất trong các cuộc chiến tranh, làm dịu đi mối hận thù giữa hai dân tộc, hai quốc gia đối địch trong chiến tranh, thể hiện truyền thống nhân đạo, nhân ái của dân tộc Việt Nam, phẩm chất nhân văn, cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.


Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1712982965479018&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1







LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 29 tháng 9 năm 1945)

“Nước Việt Nam ta sau này thịnh hay suy, mạnh hay yếu, trách nhiệm ở toàn thể quốc dân”. 

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi một Việt kiều báo tin nước nhà đã độc lập”, Bác viết cuối tháng 9 năm 1945.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta sống dưới ách đô hộ của chính quyền thực dân phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, Nhà nước non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, hiểm nguy được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, biện pháp để đoàn kết và tập hợp lực lượng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào cách mạng; trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để họ hướng về Tổ quốc bằng những “tấm lòng vàng” và hành động thiết thực đã góp phần tạo nên sức mạnh giúp cách mạng nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu đó đã góp phần tăng cường sức mạnh và tiềm lực mọi mặt của đất nước, đồng thời ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Vì vậy, bất cứ ai ở cương vị nào, là công dân Việt Nam cần hiểu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là quyền lợi, nghĩa vụ, vinh dự và trách nhiệm của mình./.


Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1714060928704555&set=a.129669940477003&type=3&theater






LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA
Ngày 30 tháng 9
“Học có tốt, hành mới tốt. Học và hành tốt mới làm trọn nhiệm vụ người thanh niên cách mạng”.

Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên Thủ đô”, ngày 30 tháng 9 năm 1964, đăng trên Báo Nhân dân, số 3836, ra ngày 01 tháng 10 năm 1964.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục cho thanh niên nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa và động cơ của việc học tập trong chế độ mới, khắc phục những cách tư duy cũ do nền giáo dục thực dân, phong kiến để lại. Người dạy: Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức để làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà. Bên cạnh việc xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn, Người yêu cầu tuổi trẻ phải thực hiện học tập toàn diện và học tập phải gắn liền với rèn luyện. Người dạy thanh niên phải sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.


Bởi vậy, theo Bác muốn thành công trong công việc phải biết kết hợp giữa học và hành một cách chặt chẽ và xuyên suốt. Lấy lí thuyết hỗ trợ cho hành động và ngược lại lấy hành động để khẳng định sự đúng đắn của lí thuyết. Vận dụng lí thuyết vào hành động thì lí thuyết được kiểm chứng. Từ đó rút kinh nghiệm, nâng cao hơn hiệu quả công việc. Thực tiễn cho thấy, phương châm học đi đôi với hành là hoàn toàn đúng đắn. Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở… phải được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống trước hết là để hoàn thiện kĩ năng con người. Sau đó là tạo ra những thành quả vật chất, tinh thần phục vụ con người.


Khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đi sâu tìm hiểu và làm rõ giá trị hiện thực của quan điểm của Bác trong định hướng lý luận cũng như chỉ đạo thực tiễn; quán triệt và thực hiện nghiêm 03 quan điểm, 08 nguyên tắc, 06 mối kết hợp trong huấn luyện bộ đội; bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; kết hợp chặt chẽ huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị; giáo dục, đào tạo gắn với huấn luyện chiến đấu; huấn luyện sát nhiệm vụ, phương án chiến đấu, đối tượng tác chiến, lấy thực hành là chính; kết hợp huấn luyện với rèn luyện thể lực bộ đội. Tổ chức nhiều cuộc diễn tập tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng, thực binh có bắn đạt thật, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp... là cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.386)


Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1715150368595611&set=a.129669940477003&type=3&theater






Xem thêm: 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét