Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 38/2018




Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 

Ngày 17/9 /1945 BÁC dạy “Chúng ta không sợ có khuyết điểm, chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi, chúng ta phải lấy lòng “chí công vô tư”.


Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, đề ngày 17 tháng 9 năm 1945, viết tại Hà Nội, Người lấy danh nghĩa của một đồng chí già, mục đích là để san sẻ ít kinh nghiệm với các đồng chí quê mình. Thư gồm 4 mục nhỏ, đánh số rõ ràng nhằm chuyển tải 4 nội dung:

- Một là, ý nghĩa rất to lớn của cuộc cách mạng dân tộc;

- Hai là, lý giải vì sao cuộc cách mạng thắng lợi;

- Ba là, sự nghiệp kiến thiết xây dựng xã hội mới sau khi giành chính quyền;

- Phần thứ tư, dài nhất, đậm nhất cuối thư, Người nêu những khó khăn cần giải quyết, phải vừa làm vừa học, cái chính là theo cho đúng chính sách của Chính phủ ban hành.



Chính sách của Chính phủ ngay sau giành chính quyền, theo Người rút lại chỉ trong có 2 chuyện: Củng cố đoàn kết và sửa chữa khuyết điểm. Sức mạnh đoàn kết dân tộc, ai cũng rõ rồi, nhưng nêu rõ ra và yêu cầu sửa chữa những khuyết điểm trên nhiều phương diện chủ yếu của cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ thì không phải ai cũng quán triệt. Những khuyết điểm đó, cụ thể ra là thói bao biện, hẹp hòi; lạm dụng hình phạt; kỷ luật không nghiêm; một số việc làm xấu xa như lên mặt làm quan cách mạng, độc đoán, dùng phép công để báo thù tư… Tất cả khiến dân chúng hoang mang, nền đoàn kết bị lung lay, uy tín của Chính phủ và đoàn thể bị ảnh hưởng xấu. Giành được chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều - nhận thức sâu sắc quy luật này, Bác kêu gọi đồng chí, đồng bào ở tỉnh nhà phải lập tức sửa đổi ngay. 



Thông điệp trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử của một giai đoạn hào hùng và ý nghĩa thời sự đối với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của cán bộ, đảng viên các cấp trong thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 khóa XII của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện, thấu triệt lời dạy của Bác và được cụ thể hóa trong mọi mặt công tác, đặc biệt là trong chiến đấu. Sau mỗi trận đánh, mỗi nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy các cấp đều lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc, đã có nhiều Hội nghị chỉnh huấn cấp toàn quân. Thông qua việc mở rộng dân chủ, đề cao trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình đã làm rõ nguyên nhân, rút ra những kinh nghiệm quý để Quân đội ta càng đánh, càng mạnh, càng đánh, càng thắng, lập nên những chiến công vẻ vang, tô thắm truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1701356423308339&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1






Lời Bác Hồ dạy: Ngày 18 tháng 9

“Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình”.



Nguyễn Ái Quốc viết bài “Người cách mạng mẫu mực”, đăng trên báo Thanh Niên, số 61, năm 1926. Bài viết nêu 12 điều đòi hỏi ở một người cách mạng,bao quát các mặt về lý tưởng, về tinh thần hy sinh, về phẩm chất đạo đức, về phương pháp công tác. Người nhấn mạnh: Sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện; nó không thể do một người hay một nhà làm mà tốt được. Cách mạng của các nòi giống có mục đích là giải phóng các dân tộc yếu, sau tiến lên làm cách mạng thế giới, sẽ giải phóng toàn nhân loại khỏi ách đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.



Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người cách mạng suốt đời phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo Bác, người cách mạng mẫu mực trước hết phải là người có đạo đức cách mạng. Bởi “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, cao quý của đạo đức cách mạng.



Thấm nhuần tư tưởng về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng đã luôn phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước, đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ, sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng tiếp tục phát huy tính tiền phong gương mẫu trên mọi lĩnh vực công tác đã góp phần làm nên những thành tựu bước đầu rất quan trọng của công cuộc đổi mới.

Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, luôn luôn khắc ghi lời dạy của Người về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mới trở thành người quân nhân kiểu mẫu, thật sự xứng đáng là người quân nhân cách mạng của một Quân đội anh hùng.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1702391056538209&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1






Lời Bác Hồ dạy: Ngày 19 tháng 9

“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.



Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308/ Quân đoàn 1) chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.



Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội do chính quyền Pháp bàn giao theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) về đình chiến ở Đông Dương. Sáng ngày 19 tháng 9 năm 1954, sau khi tham quan khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ đã gặp mặt, căn dặn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ); Bác giảng giải nhiều điều và Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.


Làm theo lời Bác, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, cách mạng Việt Nam đã vượt qua bảo thử thách, cam go, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày nay, đất nước ta đang trên đà đổi mới và không ngừng phát triển; tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta. Khắc ghi lời Bác dạy năm xưa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân làm theo lời Bác dạy với quyết tâm và trách nhiệm chính trị cao, với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... như lời Bác căn dặn năm xưa.


Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1703440873099894&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1






Lời Bác Hồ dạy: Ngày 20 tháng 9

“Cán bộ cần hoan nghênh ý kiến và những lời phê bình của dân, để sửa chữa sai lầm”.



Là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong thư thăm hỏi các đại biểu và tất cả các cán bộ và nhân viên mậu dịch, Người viết ngày 20 tháng 9 năm 1951.



Đây là thời điểm nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh kéo dài, hàng hoá, nhu yếu phẩm rất khan hiếm và được phân phối cho cán bộ và nhân dân theo chế độ tem phiếu thông qua hệ thống các cửa hàng mậu dịch Nhà nước. Do vậy, đã nẩy sinh rất nhiều bất cập, khó khăn cho cả phía cán bộ, nhân viên mậu dịch và nhân dân. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên Bác Hồ đã gửi thư và căn dặn cán bộ, nhân viên ngành mậu dịch, theo Bác việc tự phê bình và tiếp thu phê bình đối với người cán bộ, đảng viên như việc rửa mặt hằng ngày. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn.

Bởi lẽ, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ là bản chất của Đảng và Nhà nước ta, cùng cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” luôn được quan tâm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện. Nhân dân cũng là lực lượng đông đảo, rộng khắp, họ thấy rõ, thấy đầy đủ những thiếu sót cần phải phê bình, góp ý cụ thể cho cán bộ, đảng viên. Trong cuộc đấu tranh chống các nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước hiện nay, một vũ khí không thể thiếu đó là công luận và tiếng nói của nhân dân. Học tập và làm theo Bác, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tạo môi trường, có các chủ trương, chính sách, cơ chế, pháp luật để nhân dân tham gia giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên. Những ý kiến đóng góp của nhân dân đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ “có chức, có quyền” là kênh thông tin quan trọng để họ vươn lên tự hoàn thiện bản thân, có trách nhiệm với công việc, là cơ sở đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn với lợi ích của đất nước và phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Thấu triệt lời Bác Hồ dạy, cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong Quân đội luôn đề cao và duy trì nền nếp, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Định kỳ sáu tháng, một năm, tổ chức đảng tổ chức để mỗi cán bộ, đảng viên trên cương vị, chức trách nhiệm vụ được giao thực hiện việc tự phê bình trước chi bộ, lấy ý kiến phê bình của các tổ chức quần chúng trong đơn vị; ý kiến nhận xét của cấp uỷ, chi bộ nơi cư trú theo đúng Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Nội dung phê bình toàn diện trên các mặt tư tưởng chính trị, việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân và các quy định của địa phương, nơi cư trú. Tôn trọng ý kiến đóng góp của quần chúng, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tiếp thu, nhận khuyết điểm, định rõ thời gian, biện pháp khắc phục sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.


Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1704503386326976&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1






Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 

Ngày 21 tháng 9 năm 2018

“Mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà” 



Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc”, Báo Nhân dân đăng số 229, từ ngày 21 đến ngày 22 tháng 9 năm 1954.

Sau những chiến thắng của quân và dân ta trên các mặt trận quân sự, ngoại giao, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết. Đây là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cách mạng nước ta. Với tầm nhìn xa, trông rộng, thấy trước âm mưu của địch phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đàn áp, trả thù những người kháng chiến, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc chiến đấu và chuyển hàng vạn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo đội ngũ cán bộ vừa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để kịp thời động viên bộ đội, cán bộ và các gia đình từ miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc trong những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ, Bác Hồ đã gửi thư thăm hỏi, động viên và căn dặn.


Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1705560672887914&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA - Ngày 22 tháng 9 năm 1962.


“Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng ”.



Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm và phát biểu tại “Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc” ngày 22 tháng 9 năm 1962.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục đạo đức cho đoàn viên, thanh niên, thấy rõ vị trí, vai trò "Là người tiếp sức cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai". Do vậy, Người đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên thành đội xung kích cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc. Người yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, gương mẫu xung phong trong mọi công việc. Đi đôi với việc giáo dục trí lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, mỗi đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng để trở thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội “vừa hồng, vừa chuyên”.

Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của đoàn viên, thanh niên. Coi đây là lực lượng xung kích, là đội dự bị tin cậy của Đảng và coi công tác thanh niên là vấn đề được đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Do vậy, phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hoá, sức khoẻ, nghề nghiệp, giải quyết việc làm, phát triển tài năng - sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích…của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên", thanh niên Việt Nam đã phát huy truyền thống, hăng hái, sôi nổi hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.


Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1706697586107556&set=a.129669940477003&type=3&theater






LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA!

Ngày 23 tháng 9: “Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Cách làm việc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách” (ký tên X.Y.Z), đăng trên Báo Sự Thật, số 100, ra ngày 23-9-1948. Đây là một trong những nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hơn 80 năm qua, nhờ thực hiện nguyên tắc này, Đảng ta đã phát huy trí tuệ, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn trong mỗi thời kỳ; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong hoạt động thực tiễn, đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng tiến lên giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa to lớn.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền ở nước ta, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc tập trung dân chủ. Cũng có thể nhìn nhận, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách vừa là một nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo, vừa là một nội dung, một biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách góp phần xây dựng Đảng vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Trải qua quá trình phát triển, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, thống nhất nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, góp phần xây dựng tổ chức đảng các cấp TSVM, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Mọi công việc trong cơ quan, đơn vị đều được bàn bạc tập thể trong cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhằm phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất cao. Mỗi lĩnh vực công tác do một cấp ủy viên hoặc người chỉ huy phụ trách chỉ đạo, tham mưu, đề xuất với tập thể cấp ủy, chỉ huy cho ý kiến, từ đó trở thành chủ trương của cấp ủy, chỉ huy đơn vị mới triển khai thực hiện. Mặt khác, mỗi cá nhân làm tốt trách nhiệm được phân công để lĩnh vực họ phụ trách được tốt, nên vai trò cá nhân phụ trách cũng vô cùng quan trọng sau khi có nghị quyết về lĩnh vực họ phụ trách. Đồng thời, mỗi cá nhân phải báo cáo kết quả công tác lĩnh vực mình phụ trách cho tập thể để tiếp thu ý kiến góp ý của đội ngũ đảng viên trong tổ chức. Đây cũng là thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, áp đặt ý kiến cá nhân, hoặc nể nang, né tránh, dựa dẫm vào tập thể./.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1707785355998779&set=a.129669940477003&type=3&theater







Xem thêm: 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét