Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 43/2018



LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA
Ngày 22 tháng 10
“Đối với những người có thành tích, phải khen thưởng, đối với những người mắc sai lầm thì phải phê bình, kiểm thảo giúp họ sửa chữa. Khi cần thiết thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, đúng mức”.

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại Đại hội thi đua lực lượng Công an nhân dân, ngày 12 tháng 10 năm 1966; Báo Nhân dân, số 4580, ngày 22 tháng 10 năm 1966. Tại Đại hội, Bác đã đề nghị ngành công an phải có những hoạt động thiết thực để thực hiện thi đua. Trong thi đua Bác đề cập đến việc phải khen thưởng kịp thời, xác đáng đối với những người có thành tích, đối với những người mắc sai lầm thì phải phê bình, kiểm thảo giúp họ sửa chữa. Khi cần thiết thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, đúng mức.

Lời Bác căn dặn năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và kỷ luật đối với mọi cấp, mọi ngành và mọi người. Bởi nếu làm tốt công tác thi đua, khen thưởng là trực tiếp giáo dục, cổ vũ, động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo, phấn đấu hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đã đề ra, tạo sức lan toả sâu rộng trở thành phong trào hành động cách mạng, thiết thực xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.


Kỷ luật nghiêm minh, đúng mức, khách quan, công khai, công bằng, đúng người, đúng tội là công việc quan trọng và cần thiết nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của mỗi tổ chức, bảo đảm sự thống nhất về ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu, đề cao tự phê bình và hê bình; là điều kiện để xây dựng, phát triển đất nước.


Kỷ luật là yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Chấp hành kỷ luật là một nguyên tắc trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là điều kiện bảo đảm sự tập trung thống nhất cao về ý chí và hành động, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”. Để giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống đoàn kết, kỷ luật tự giác, nghiêm minh, những năm qua, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, nhằm bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quân đội. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, gắn với thực hiện tốt các cuộc vận động của các cấp, các ngành; đồng thời, tăng cường quản lý kỷ luật, xây dựng đơn vị có nền nếp chính quy, nên hạn chế được tình hình vi phạm kỷ luật, nhất là kỷ luật nghiêm trọng, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr.170)

Nguồn: 






Lời Bác Hồ dạy: Ngày 23 tháng 10
“Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời tuyên bố với quốc dân” sau chuyến đi Pháp về, ngày 23 tháng 10 năm 1946, đăng trên Báo Cứu quốc, số 384, ngày 23 tháng 10 năm 1946.

Sau khi nêu rõ mục đích, ý nghĩa và kết quả của chuyến đi Pháp, đề ra nhiệm vụ cụ thể của cách mạng nước ta từ tháng 10 năm 1946 đến tháng 1 năm 1947, Người cũng bày tỏ điều tâm niệm bấy lâu của mình: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản cao quý là tấm gương sáng ngời phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu cho đất nước được độc lập, phồn vinh, cho nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Trong con người Hồ Chí Minh có đầy đủ phẩm chất hội tụ của một lãnh tụ thiên tài, đồng thời Người còn là hiện thân của một lãnh tụ kiểu mới của nhân dân: Vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà lại vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết, tin tưởng và gắn bó với quần chúng, hết lòng, hết sức chăm lo cho nhân dân. Người thường xuyên giáo dục cán bộ phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, và chính bản thân Người là tấm gương tiêu biểu về tấm gương đạo đức trọn đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một học trò xuất sắc và là một cộng sự thân thiết, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “…Đó là cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”.

Tư tưởng, phong cách và tấm gương đạo đức sáng ngời suốt đời hy sinh chiến đấu, tận tụy phục vụ, vì nước, vì dân “Chỉ biết quên mình cho hết thảy” của Bác Hồ càng thúc giục chúng ta học tập noi theo Người, trở thành nhu cầu tự thân, việc làm tự giác, thường xuyên hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng, Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, được nhân dân yêu mến, tin tưởng, giúp đỡ và trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, lập nên truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng”. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn tận trung với nước, với Đảng, tận hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm, toàn quân tích cực làm tốt công tác dân vận, giúp dân xoá đói, giảm nghèo, tham gia phòng chống thiên tại, cứu hộ, cứu nạn; chung sức xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1742971952480119&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 24 tháng 10 năm 1955)

“Đối với các em, việc giáo dục gồm có: 
Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khỏe, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung. 
Trí dục: ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức thấy,
Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư “Gửi các em học sinh”, nhân dịp khai giảng năm học mới, với bút danh C.B, đăng trên Báo Nhân dân số 600, ngày 24 tháng 10 năm 1955.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm và chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà. Người coi: “Giáo dục là cốt sách hàng đầu” trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người luôn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển con người toàn diện cả về thể lực, đạo đức, trí lực, tài năng và thẩm mỹ. Tư tưởng đó là hình mẫu sinh động của con người toàn diện cho hiện tại và tương lai. Tư tưởng phát triển con người toàn diện của Người là chỉ dẫn sáng suốt để xây dựng thành công chiến lược phát triển con người toàn diện trong điều kiện mới ở nước ta.

Thấu triệt lời Bác dạy năm xưa, Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục, đào tạo nước ta luôn quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp, nhằm xây dựng những con người mới vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời căn dặn của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. /.

Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1744132772364037&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1







Lời Bác Hồ dạy: Ngày 25 tháng 10
“Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.

Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường chính trị trung cấp Quân đội (nay là Học viện Chính trị/ Bộ Quốc phòng) nhân dịp Người về thăm trường ngày 25 tháng 10 năm 1951.

Bác đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của chính trị đối với quân sự và quân đội. Theo Người, chính trị là hồn cốt, là yếu tố quyết định sức mạnh của quân đội. Chính trị không chỉ là đường lối, chính sách của Đảng, còn là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần, ý chí, nghị lực, quyết tâm chiến đấu hy sinh của cán bộ, đảng viên. Quan điểm này của Hồ Chí Minh không chỉ đúng với học thuyết Mác - Lênin về xây dựng quân đội của giai cấp vô sản, mà còn kế thừa những giá trị truyền thống đặc sắc về xây dựng quân đội của ông cha ta, như “hun đúc bằng những điều nhân nghĩa” cho quân đội. Hơn cả, là sự phù hợp với thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nước ta trong điều kiện còn hạn chế về vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; xu thế quốc tế hóa và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hay tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; đáng chú ý là các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược diễn biến hòa bình chống phá cách mạng nước ta, cổ xúy cho cái gọi là: “quân đội phi chính trị”, “quân đội phi đảng phái”, đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam càng phải thấm nhuần hơn lời dạy của Người về xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng quân đội về chính trị; tăng cường bản chất giai cấp công nhân, nâng cao giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh; phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang của quân đội, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa quân đội và nhân dân; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam… để dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, quân đội ta vẫn luôn giữ vững, phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc; thực sự là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1745232245587423&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1








Ngày 26/10/1950 BÁC dạy “Các cán bộ các cấp phải lãnh đạo và phải làm kiểu mẫu trong việc kiểm thảo và tự phê bình. Làm như thế thì chúng ta sẽ phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa sạch khuyết điểm. Đánh thắng khuyết điểm của ta tức là đã một lần đánh thắng quân địch”. 

Đây là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi và khuyên nhủ các chiến sĩ”, báo Cứu quốc, số 1676, ngày 26 tháng 10 năm 1950.

Sau thắng lợi của các trận Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng mở ra một thời kỳ mới trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược - thời kỳ thế chủ động trên chiến trường hoàn toàn nằm trong tay quân đội cách mạng Việt Nam.

Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Để khắc phục sự chủ quan, tự mãn có thể sẽ xuất hiện trong cán bộ, chiến sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời viết thư để tri ân các liệt sĩ, thăm hỏi thương binh, động viên bộ đội và huấn thị cán bộ phải làm tốt công tác lãnh đạo việc phê bình và tự phê bình. Bởi theo Bác, muốn phát huy tốt tác dụng của phê bình, phải tự phê bình mình trước, phê bình từ trong cấp ủy, trong chi bộ đến đơn vị. Tự phê bình không phải là tự hạ thấp mình, tự “nhún nhường” mà là thể hiện trình độ nhận thức, lòng dũng cảm, sự trung thực, ngay thẳng trước tổ chức, đồng chí, đồng đội và rộng hơn là trước Đảng, trước nhân dân; là thể hiện tinh thần cầu thị, ý chí vươn lên của bản thân.

Thấu triệt tư tưởng đề cao tự phê bình và phê bình, nhất là với đối với đội ngũ cán bộ các cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn kiên định và thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng, coi đây là nguyên tắc cơ bản xây dựng Đảng. Sự trưởng thành của Đảng ta trong hơn 80 năm qua một phần quan trọng là do Đảng luôn kiên định và thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trong đó có tự phê bình và phê bình, phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược luôn gương mẫu trong học tập, rèn luyện, đề cao tự phê bình và phê bình, có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, phong cách, năng lực lãnh đạo, chỉ huy tốt; có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phương pháp làm việc khoa học, khả năng phân tích, xử lý tốt các tình huống; có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và khả năng phát huy được sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị; gần gũi, sâu sát với bộ đội, được cán bộ, chiến sĩ tin tưởng, yêu mến.

Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1746384928805488&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA!

Ngày 27 tháng 10: "Mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành”.

Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II, họp từ ngày 23 đến ngày 28 tháng 10 năm 1950 tại Lam Sơm, tỉnh Cao Bằng.

Kỷ luật là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam. Chấp hành kỷ luật là một nguyên tắc trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là điều kiện bảo đảm cho quân đội luôn có sự tập trung thống nhất cao về ý chí và hành động, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh đã khẳng định:“quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”. Tuyệt đối phục tùng và chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên là biểu hiện tập trung cao nhất của việc chấp hành nghiêm kỷ luật. Do vậy, Người luôn yêu cầu mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải chấp hành kỷ luật một cách tự giác và nghiêm minh; đối với mệnh lệnh cấp trên ban xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành; báo cáo từ dưới lên trên phải thật thà, nhanh chóng và thiết thực; là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức; số ít phải phục tùng đa số; địa phương phục tùng Trung ương.....

Lịch sử hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta cho thấy, lời huấn thị: “Mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành” của Bác thực sự là một di sản tư tưởng, lý luận quý báu; một nguyên tắc đặc biệt quan trọng, trở thành lời thề danh dự của mỗi quân nhân đã góp phần xây dựng Quân đội ta, từ một đội quân du kích lúc ban đầu trở thành một quân đội có ý thức tổ chức kỷ luật cao, luôn kiên định trước mọi khó khăn, thử thách; cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, bản lĩnh, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1747770298666951&set=a.129669940477003&type=3&theater




LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (28/10/1950)

“Cán bộ phải thương yêu đội viên. Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom, thăm hỏi.” Là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II, họp từ ngày 23 đến ngày 28 tháng 10 năm 1950 tại Lam Sơm, tỉnh Cao Bằng.

Tình đồng chí, đồng đội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vừa là thuộc tính bản chất của quân đội cách mạng, vừa là cơ sở tạo nên sức mạnh của quân đội, trong đó quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ là mối quan hệ đặc trưng bản chất. Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một mặt, nó dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của quân đội; mặt khác, nó dựa trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội sâu sắc, đoàn kết gắn bó chặt chẽ keo sơn với nhau như ruột thịt “lúc thường cũng như lúc ra trận” giữa những con người cùng chung lý tưởng, mục tiêu, cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả của người quân nhân cách mạng. Đó là nguồn sức mạnh vô tận để bộ đội ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Chính vì vậy, đòi hỏi cán bộ phải luôn luôn là tấm gương sáng cho chiến sĩ học tập, noi theo; chiến sỹ phải “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”. Tình thương yêu đồng chí, đồng đội được tôi luyện, thiết lập vững chắc trong Quân đội ta qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, và trở thành nét đẹp truyền thống, thành bản chất không thể phai mờ của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ, là một trong những nhân tố gốc cấu thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội ta.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ kính yêu căn dăn, đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội các thời kỳ đã luôn quan tâm thiết thực và chu đáo đến đời sống tinh thần và vật chất của bộ đội, hết lòng chăm lo xây dựng đơn vị, tôn trọng và thương yêu cấp dưới như “chân tay”, do vậy cấp dưới sẽ kính trọng, coi lãnh đạo, chỉ huy của mình “như đầu óc”, như người thân; từ đó họ sẽ mang hết khả năng của mình để thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh một cách tự giác và có hiệu quả cao nhất. Trái lại, nếu cán bộ không làm “mực thước” cho cấp dưới, quan liêu, hách dịch, bè cánh thì chắc chắn cấp dưới sẽ xa lánh họ; chỉ thị, mệnh lệnh mà họ đưa ra sẽ được cấp dưới tiếp thu một cách khiên cưỡng, hiệu quả thấp, thậm chí bị chối bỏ. Bởi vậy hơn ai hết, lãnh đạo, chỉ huy phải thường xuyên phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện xứng đáng là người anh, người “chị hiền” tận tuỵ chăm lo cho tập thể, cho từng chiến sỹ, là hạt nhân đoàn kết thống nhất xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1749040785206569&set=a.129669940477003&type=3&theater







Xem thêm: 
  1. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 22/2018
  2. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 23/2018
  3. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 24/2018
  4. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 25/2018
  5. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 26/2018
  6. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 27/2018
  7. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 28/2018
  8. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 29/2018
  9. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 30/2018
  10. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 31/2018
  11. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 32/2018
  12. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 33/2018
  13. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 34/2018
  14. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 35/2018
  15. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 36/2018
  16. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 37/2018
  17. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 38/2018
  18. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 39/2018
  19. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 40/2018
  20. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 41/2018
  21. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 42/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét