Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 46/2018




LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA
(Ngày 12 tháng 11 năm 1956)

“Cán bộ và chiến sĩ đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định vượt được khó khăn, sửa được sai lầm, giành được thắng lợi”. Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện tại “Hội nghị cán bộ trung, cao cấp quân đội”, tháng 11 năm 1956.

Lời dạy của Bác là sự nhắc nhở sâu sắc đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, lúc thường cũng như khi ra trận phải đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tình thương yêu đồng chí, đồng đội, giúp đỡ nhau như ruột thịt; chỉ có đoàn kết mới có được sức mạnh để hoàn thành mọi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù... Thực tiễn hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta đã cho thấy, cán bộ và chiến sĩ thực sự đoàn kết trên cơ sở tình cảm cách mạng, tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội thân thiết, cởi mở, chân thành; thực sự thương yêu, gắn bó, coi cơ quan, đơn vị như gia đình, đồng chí, đồng đội là anh em. Đặc biệt, cán bộ luôn đồng cam cộng khổ, sẵn sàng nhận khó khăn, gian khổ, hy sinh về mình, nhường cơm, sẻ áo cho chiến sĩ; sống với nhau có nghĩa, có tình, tin tưởng, tôn trọng, quan tâm giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cùng phấn đấu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa...

Phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ luôn khắc ghi lời dạy của Bác về xây dựng mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ và chiến sĩ. Biểu hiện nổi bật của sự đoàn kết đó được thể hiện ở tinh thần phát huy dân chủ, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị. Cán bộ phải có trách nhiệm chăm lo mọi mặt cho chiến sĩ; ngược lại, cấp dưới phải tôn trọng, phục tùng mệnh lệnh cấp trên, chiến sĩ tin cậy, bảo vệ cán bộ. Trên dưới đồng lòng, toàn quân thành một khối vững chắc, thống nhất ý chí và hành động, vì mục đích chung của cách mạng, của quân đội, của đơn vị và sự tiến bộ của mỗi người. Mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; bảo đảm để mọi cán bộ, chiến sĩ, cấp trên, cấp dưới đều bình đẳng về chính trị, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; phát huy đầy đủ dân chủ về chính trị, quân sự, kinh tế, đi đôi với giữ vững và tăng cường kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ và chiến sĩ phải gắn với đấu tranh, thực hiện tự phê bình và phê bình chân thành, thẳng thắn, nhằm giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, trong đó cần kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, quân phiệt, vi phạm dân chủ, vi phạm nhân cách quân nhân./.

Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1770801119697202&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1






Lời Bác Hồ dạy: Ngày 13 tháng 11
“Học hành là vô cùng. Học càng nhiều biết càng nhiều càng tốt...”. 

Đây là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi đồng bào xã Duyên Trang, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình”, ngày 13 tháng 11 năm 1947.

Sau hơn hai năm Trung ương Đảng và Chính phủ phát động toàn dân thực hiện phong trào diệt giặc dốt, phong trào đã đạt được những kết quả quantrọng, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết. Bác Hồ rất vui mừng khi nhận được báo cáo về kết quả kỳ thi ngày 06 tháng 9 năm 1947, toàn dân xã Duyên Trang từ 8 tuổi trở lên đều thoát nạn mù chữ. Bác đã thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi đến đồng bào toàn xã, nhất là cảm ơn các phụ lão, thân hào đã ra sức giúp đỡ, các cán bộ bình dân học vụ đã cố gắng dạy dỗ bà con nhân dân trong xã.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Người không những là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, mà còn là một nhà giáo dục, một tấm gương “suốt đời tự học” để trưởng thành, để đi lên, để tiến bộ. Theo Người, muốn trở thành người có đức, có tài để phục vụ và cống hiến nhiều cho Đảng, cho nhân dân thì “suốt đời phải học tập”. Chỉ có học tập, con người mới nâng cao sự hiểu biết về mọi mặt và phục vụ cho quê hương, đất nước nhiều hơn, tốt hơn.


Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào diệt giặc dốt đã được toàn dân đồng lòng, đồng sức triển khai với quyết tâm cao, toàn dân, toàn quân ra sức học tập, lao động sản xuất để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đi vào chiều sâu, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà. Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó, mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao tinh thần tự học, tự rèn, tích cực “học tập suốt đời” theo gương Bác để phục vụ tốt hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


Đối với Quân đội ta, thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nhận thức sâu sắc việc học tập, rèn luyện vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm, là vinh dự của mỗi quân nhân; phải coi việc học tập là một nhu cầu tự thân, nó thấm sâu vào mỗi quân nhân, trở thành cách nghĩ và hành động trong cuộc sống của mỗi người. Cần chủ động khắc phục mọi khó khăn, sử dụng mọi thời gian, tranh thủ mọi điều kiện để học tập, rèn luyện với tinh thần bền bỉ, kiên trì, cầu tiến bộ.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1771982016245779&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1







Lời Bác Hồ dạy: Ngày 14 tháng 11
“Những ai đã lầm đường mà nay hối cải thì sẽ được khoan thứ.” 

Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Công điện số 508/D ngày 14 tháng 11 năm 1950 “Điện gửi đồng bào Sơn Hà”.

Ngay khi nhận được tin có số ít đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi bị giặc Pháp lợi dụng những sai lầm của một số cán bộ địa phương đã kích động, xúi giục, gây bè cánh chống lại chính quyền, làm rối loạn trị an, gây mất đoàn kết nội bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Công điện để trấn an và động viên đồng bào và Bác đã nói rõ quan điểm, chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với những người lầm đường, lạc lối theo địch, chống phá cách mạng nhưng đã giác ngộc và quay về với cách mạng thì đều được chính quyền xem xét, khoan thứ.

Chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, khuyến khích những người lầm đường, lạc lối hối cải, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. 


Thấu triệt tư tưởng nhân đạo, khoan dung của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn chấp hành nghiêm chính sách nhân đạo đối với tù hàng binh trong chiến tranh, thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo, khoan dung của “Bộ đội Cụ Hồ” đối với địch, dù họ là kẻ đi xâm lược, giết hại, cướp bóc đồng bào ta, nhưng khi bị bắt vẫn được bộ đội ta đối xử thấu tình, đạt lý để họ cải tả, quy chính, thức tỉnh lương tri, trở về với gia đình, với Tổ quốc, đã làm giảm đi nhiều những nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh gây ra, nhất là làm giảm nỗi hận thù giữa hai dân tộc, quốc gia đối địch trong chiến tranh.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1773159696128011&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





Lời Bác Hồ dạy: Ngày 15 tháng 11
“… Đã tự kiêu, tự ái thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc. Đã cô độc thì chẳng việc gì thành công”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Bệnh tự kiêu, tự ái”, dưới bút danh X.Y.Z, đăng trên báo Sự Thật, số 102, ra ngày 15 tháng 11 năm 1948.

Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta mới được hai năm, trong xã hội đã có một số cán bộ có biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, công thần, hẹp hòi, kèn cựa địa vị, cục bộ bè phái, mất đoàn kết, chủ quan khinh địch; thiếu cố gắng vươn lên, tự cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được, việc gì mình cũng giỏi hơn người, mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai; không can đảm tự phê bình, không ưa những lời phê bình thật thà ngay thẳng... nói tóm lại là đã mắc bệnh tự kiêu, tự ái. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Bệnh tự kiêu, tự ái”, vạch rõ thực chất của căn bệnh này và khẳng định: “... Đã tự kiêu tự ái, thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc. Ðã cô độc, thì chẳng việc gì thành công”.

Giá trị, ý nghĩa sâu sắc câu nói của Bác vẫn còn tính thời sự, là lời răn dạy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân phải luôn toàn tâm, toàn ý phục sựu Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; chống mọi biểu hiện vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Phải ra sức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn khiêm tốn, trung thực, dũng cảm, mạnh dạn tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và phát triển ưu điểm. Luôn gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm; không ngừng học tập nâng cao trình độ, cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ. Phải ra sức thực hành đoàn kết, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ địa phương, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.


Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc các tiêu chí phẩm chất đạo đức cách mạng của quân nhân. Không ngừng học tập, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện với tinh thần cầu thị, gắn với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập và công tác hàng ngày; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đề cao tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ tự lập kế hoạch, xác định nội dung và phương pháp tự học tập, rèn luyện cụ thể phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của bản thân và điều kiện thực tế của đơn vị. Tự nghiên cứu, tự đọc tài liệu, sách, báo, cập nhật và xử lý thông tin hằng ngày để bổ sung tri thức, nâng cao hiểu biết, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm hay vào tổ chức thực hiện nhiệm vụ.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1774350509342263&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA
(Ngày 16 tháng 11 năm 1953)
“Quân dân đoàn kết một lòng,
Kháng chiến thắng lợi, cờ hồng tung bay”. Câu thơ trên trích trong bài thơ “Kế hoạch Na va đầu voi đuôi chó” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh “C.B”; Báo Nhân dân, đăng số 408, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 11 năm 1953.

Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra quyết liệt, quân và dân ta liên tiếp giành được những thắng lợi lớn trên các chiến trường, thực dân Pháp thất bại thảm hại phải liên tiếp thay quân, đổi tướng với nhiều kế hoạch tác chiến khác nhau nhằm cứu vãn tình thế, nhưng chúng đều thất bại thảm hại trước sức mạnh đoàn kết quân và dân ta cùng sát cánh trên mọi chiến trường, với quyết tâm sắt đá phải giành cho được độc lập dân tộc.

Thực hiện lời Bác Hồ kính yêu căn dặn, quân và dân ta đã phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt, nhân dân đã đồng tâm, hiệp lực, nuôi dưỡng, giúp đỡ, cung cấp sức người, sức của cho bộ đội. Ở đâu có dân, ở đó có dấu chân bộ đội, bộ đội đánh giặc, bảo vệ nhân dân. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Bộ đội của ta là bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân sống giữa lòng dân; bộ đội không quản ngại khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, chấp nhận hy sinh để giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân khỏi ách đô hộ, bóc lột của đế quốc, thực dân xâm lược. Tình quân dân cá nước, quân với dân một ý chí đã tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, đất nước hòa bình, độc lập, nhân dân được tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ngày nay, đất nước hòa bình, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đất nước đang đứng trước thời cơ mới và cả những thách thức mới; đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó chúng tập trung chống phá mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân. Tình hình đó, đòi hỏi Quân đội ta phải tập trung xây dựng nâng cao sức mạnh tổng hợp, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng đánh thắng mọi kiểu loại chiến tranh xâm lược. Quân đội cần tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; “xóa đói, giảm nghèo”, “đền ơn, đáp nghĩa”, xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương; là lực lượng chủ lực trong cứu hộ, cứu nạn, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của đất nước, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.

Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1775566502553997&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





Lời Bác Hồ dạy: Ngày 17 tháng 11
“Để đánh thắng kẻ thù chung, chúng ta nhất định phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta”.

Đây là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân quốc tế, họp ở Mátxcơva, tháng 11 năm 1960.

Trong bối cảnh chủ nghĩa cơ hội xuất hiện, các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân quốc tế đang có sự chia rẽ, bất hòa trong nhận thức và giải quyết các vấn đề quốc tế. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu và kêu gọi sự đoàn kết thống nhất của các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân quốc tế trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Lời khẳng định của Bác có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tư duy nhạy bén, tầm nhìn xa trong rộng của Người trước các vấn đề quốc tế, qua đó nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. 

Thực hiện lời dạy của Người đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải thường xuyên chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường đoàn kết quốc tế, đoàn kết với nhân dân lao động các nước, với các dân tộc, với nhân loại tiến bộ vì mục tiêu chung đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tư tưởng sô vanh, nước lớn.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, Quân đội ta cần gắn bó thủy chung, vô tư, trong sáng, chí nghĩa, chí tình với quân đội và nhân dân các nước anh em, bè bạn quốc tế; sẵn sàng làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả; không tự cao, tự đại hoặc kẻ cả, ban ơn, không ỷ lại, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của quân đội và nhân dân các nước; góp phần tích cực vào xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với quân đội và nhân dân các nước, nhất là các nước có chung mục tiêu lý tưởng, các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, các nước lớn, phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân quán triệt và nhận diện rõ đối tượng - đối tác của cách mạng, đối tượng tác chiến của quân đội, thực hiện nghiêm đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Không mơ hồ mất cảnh giác, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Nguồn:  
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1776803635763617&set=a.129669940477003&type=3&theater





LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA (Ngày 18 tháng 11)
=======
“… Muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự...”. 

Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nội dung trả lời phỏng vấn nhà báo Phêlích Gơrin (nhà báo người Anh), ngày 18 tháng 11 năm 1965, để giải thích về lập trường của Việt Nam trước đề nghị thương lượng của phía Mỹ; Báo Nhân dân đăng trên số 4266, ngày 09 tháng 12 năm 1965.

Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam buộc phải đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược cũng chỉ với khát khao đất nước được độc lập, nhân dân được sống trong hòa bình, tự do. Từ khát vọng cháy bỏng đó mà nhân dân Việt Nam đã không tiếc mồ hôi, nước mắt, máu xương của biết bao thế hệ cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, no ấm, hạnh phúc của mình. Lời khẳng định “... Muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự...” của Bác như là một chân lý, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. Đó không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là một giá trị to lớn trong học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh. Đó là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc.

Thấu triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh về giá trị to lớn của hòa bình và điều kiện tiên quyết để có được hòa bình thực sự, Đảng ta chủ trương phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là lợi ích cao nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các thuận lợi từ bên ngoài, kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, vừa hợp tác vừa đấu tranh, gia tăng hợp tác, tránh xung đột đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc...

Đối với Quân đội ta, phải trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thường xuyên nắm chắc tình hình, đánh giá chính xác, tham mưu sắc bén cho Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ,. Ngành Trung ương, các lực lượng và các địa phương chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1778120235631957&set=a.129669940477003&type=3&theater







Xem thêm: 
  1. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 22/2018
  2. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 23/2018
  3. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 24/2018
  4. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 25/2018
  5. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 26/2018
  6. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 27/2018
  7. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 28/2018
  8. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 29/2018
  9. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 30/2018
  10. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 31/2018
  11. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 32/2018
  12. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 33/2018
  13. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 34/2018
  14. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 35/2018
  15. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 36/2018
  16. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 37/2018
  17. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 38/2018
  18. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 39/2018
  19. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 40/2018
  20. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 41/2018
  21. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 42/2018
  22. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 43/2018
  23. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 44/2018
  24. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 45/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét