Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 45/2018




Lời Bác Hồ dạy: Ngày 05 tháng 11
“…Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”.

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Công việc khẩn cấp bây giờ”, Người viết ngày 05 tháng 11 năm 1946.

Đây là thời điểm đất nước ta vừa mới giành được độc lập, công cuộc kiến thiết đất nước đặt ra nhiều “công việc khẩn cấp” phải giải quyết. Trong đó, giao thông vận tải là một trong những “công việc khẩn cấp” cần được quan tâm giải quyết ngay. Câu nói của Bác tuy giản dị, ngắn gọn nhưng rất sâu sắc, không chỉ nhấn mạnh đến vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng của giao thông vận tải trong công cuộc kiến thiết đất nước mà còn là lời nhắc nhở, chỉ rõ nhiệm vụ và trách nhiệm đối với những người làm công tác giao thông vận tải. Thực hiện lời dạy của Bác, lớp lớp các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động ngành giao thông vận tải Việt Nam đã luôn nỗ lực phấn đấu, tích cực, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, lời dạy của Bác năm xưa vẫn còn nguyên giá trị, được các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động ngành giao thông vận tải trên khắp mọi miền đất nước quán triệt, học tập và làm theo. Ngành gia thông vận tải đã dồn hết tâm huyết, trí tuệ, công sức vào sự nghiệp phát triển giao thông vận tải để thiết kế và xây dựng nên hệ thống cầu, đường, sân bay và bến cảng hiện đại... làm cho hệ thống hạ tầng giao thông ở nước ta ngày càng hiện đại, ngang tầm với các nước tiến tiến trong khu vực và trên thế giới. Để giao thông vận tải luôn “đi trước một bước”, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, các đơn vị quân đội, trong đó nòng cốt là lực lượng công binh, Binh đoàn Trường Sơn đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, sẵn sàng chấp nhận hi sinh để mở những con đường chiến lược giúp cho bộ đội hành quân vào mặt trận chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược trong chiến tranh và góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, lập nên truyền thống “Mở đường thắng lợi”. Hiện nay, nhiều đơn vị quân đội đã phát huy cao độ tiềm năng, lợi thế của mình để tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào các dự án, công trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước, bảo đảm vừa phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các địa bàn trọng yếu, chiến lược. Những việc làm đó đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong thời kỳ mới.

Nguồn:





Lời Bác Hồ dạy: Ngày 06 tháng 11
“… Khen, chê phải đúng mức. Khen nhưng khen quá lời, “suy tôn” người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục...”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một buổi họp của Bộ Chính trị tiếp tục cho ý kiến về nội dung Đại hội Văn nghệ, ngày 06 tháng 11 năm 1962, đăng trên Báo Nhân dân, số 3148, ra ngày 07 tháng 11 năm 1962.

Sáng ngày 06 tháng 11 năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị để cho ý kiến về nội dung Đại hội Văn nghệ. Khi bàn về chủ trương tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đi một đợt thực tế dài hạn ở nông thôn, Người đã tán thành chủ trương này và có những lời căn dặn quý báu đối với các văn nghệ sĩ đi thực hiện nhiệm vụ này. Đây là sự nhắc nhở sâu sắc, có giá trị định hướng về nhận thức, tư tưởng đối với mỗi văn nghệ sĩ cần nêu cao ý thức trách nhiệm, bám sát thực tiễn, khen, chê phải đúng mức; nói cách khác, Người yêu cầu các văn nghệ sĩ phải phản ánh trung thực và khách quan cuộc sống lao động, chiến đấu và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân ở vùng nông thôn.


Thực hiện lời căn dặn của Bác, các thế hệ văn nghệ sĩ nước nhà đã thường xuyên bám sát đời sống nông thôn, lăn lộn trên đồng ruộng, gò đồi, cũng như trên các chiến trường đầy khói lửa; hòa mình vào cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, tích cực cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, đồng thời phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn… góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Ngày nay, trước bối cảnh phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, lời căn dặn của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, là bài học sâu sắc định hướng nhận thức, tư tưởng, phương châm hành động của các văn nghệ sĩ; bồi dưỡng cái tâm và cái tài, cổ vũ động viên các văn nghệ sĩ bám sát cơ sở, đi sâu khám phá cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, qua đó sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật hay và tốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đối với Quân đội ta, thấm nhuần lời dạy của Bác, đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội đã thường xuyên bám sát các đơn vị cơ sở, nhất là những đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; lăn lộn cùng với bộ đội trên các thao trường, bãi tập, nơi bộ đội làm công tác dân vận, tham gia phòng, chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... để phản ánh trung thực cuộc sống học tập, công tác và sinh hoạt của bộ đội. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm định hướng nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, chiến sĩ; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền, cổ vũ động viên kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt, đồng thời phê phán những cái xấu, cái tiêu cực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh, để mỗi đơn vị quân đội thực sự là cái nôi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, nhân cách quân nhân, bồi đắp phẩm chất ”Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.


Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1763400620437252&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1










Lời Bác Hồ dạy: Ngày 07 tháng 11
“… Nhờ Cách mạng Tháng Mười thành công mà một thế giới mới đã ra đời và ngày càng phồn vinh, càng mạnh mẽ như hoa nở mùa Xuân” .

Đây là sự đánh giá, ghi nhận về thắng lợi vĩ đại cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trích trong bài viết “Vui vẻ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười” gửi Báo Sự thật (Liên Xô), Báo Nhân dân, đăng số 2061, ngày 07 tháng 11 năm 1959.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và những gì mà cuộc cách mạng này tạo ra có sức lan tỏa, cổ vũ, lôi cuốn, thúc đẩy mãnh liệt đối với phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế, làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa của thực dân, đế quốc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh. Đối với Việt Nam, “đi theo con đường cách mạng vô sản”, con đường của Lênin và cách mạng Tháng Mười Nga cho tới nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dẫn dắt nhân dân ta đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do và quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành đổi mới, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững thành quả cách mạng, hoà bình, môi trường chính trị - xã hội ổn định để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao toàn diện chất lượng cuộc sống nhân dân.

Ngày nay, thế giới đã có những biến động, thay đổi to lớn, sâu sắc, với không ít những thách thức về chính trị, an ninh, kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ… Song, thành quả của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, thời đại, đã và đang thôi thúc giai cấp công nhân và những người tiến bộ tiếp tục cống hiến, hy sinh không mệt mỏi trong cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới hòa bình, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bình đẳng, bác ái, không còn áp bức, bóc lột, không còn những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến xung đột, chiến tranh - đó là xã hội xã hội chủ nghĩa.

Đối với nước ta, bước vào giai đoạn cách mạng mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch, phản động, chống đối tuy thất bại nhưng vẫn không chịu từ bỏ âm mưu, ý đồ chống phá sự nghiệp cách mạng của đất nước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với mọi phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nhiệm vụ cách mạng thay đổi đặt ra yêu cầu cấp bách cho lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tuyệt đối không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1764630746980906&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1





Lời Bác Hồ dạy: Ngày 08 tháng 11
“Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Hô hào nhân dân chống nạn đói”, đăng Báo Cứu quốc, số 86, ngày 08 tháng 11 năm 1945.

Hơn 70 năm đã qua đi, nhưng trong ký ức của người dân Việt Nam, nạn đói năm 1945 vẫn còn là một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối, khó quên. Do chính sách độc ác của bọn phát xít Nhật và thực dân Pháp đã khiến cho hơn 2 triệu người dân Việt Nam phải chết vì đói, bằng một phần mười dân số Việt Nam lúc bấy giờ. Lời của Bác vừa là lời tố cáo đanh thép về tội ác “trời không dung, đất không tha” của bè lũ thực dân đế quốc đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, vừa là động lực thôi thúc nhân dân cả nước quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ ra sức lao động, sản xuất để tạo ra nhiều lương thực nhằm giải quyết nạn đói trước mắt và chi viện cho tiền tuyến, góp phần vào thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Lời của Bác là bài học nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam phải luôn nêu cao ý thức tự lực, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời, chúng ta phải ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tích cực và chủ động hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.


Thấm nhuần lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, Quân đội ta luôn chủ động, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bằng hình thức, biện pháp phù hợp, đúng định hướng của Đảng. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong những năm tới, nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đứng trước những thuận lợi và cơ hội to lớn, song cũng có không ít khó khăn, thách thức. Để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới, đòi hỏi Quân đội cần tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực, sức mạnh của đất nước, xứng đáng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” trong thời kỳ mới.


Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1765888403521807&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1







“…Phải ra sức thi đua:
Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ.
Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo.
Trau dồi tinh thần cho vững chắc.
Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng” .

Đây là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi lớp “Chuẩn bị tổng phản công” Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1), đăng trên Báo Cứu quốc, số 1392, ngày 09 tháng 11 năm 1949.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1767099366734044&set=a.129669940477003&type=3&theater







LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA!

Ngày 10 tháng 11: “… Cán bộ và bộ đội nhất định phải đi sát với nhân dân vì lực lượng của nhân dân là vô cùng mạnh mẽ…”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi đồng bào và bộ đội (Vệ Quốc quân và dân quân du kích Tả Ngạn, Liên khu 3”, Người viết ngày 10 tháng 11 năm 1951, đăng trên Báo Quân đội nhân dân, số 34, ra ngày 01 tháng 12 năm 1951, trong bối cảnh sau khi nhận được báo cáo của đồng bào và bộ đội Tả Ngạn, Liên khu 3 về thành tích tiêu diệt địch, Bác đã gửi thư khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ, quân, dân, chính thuộc Liên khu 3. 

Với tư duy chiến lược và tầm nhìn xa trông rộng, Người đã chỉ ra được cội nguồn sức mạnh, sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội đều bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân; từ cơm ăn, áo mặc, xe cộ đi lại đến vũ khí đánh giặc đều do mồ hôi công sức nhân dân mà có. Người khẳng định: “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Chỉ có đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, dựa vào dân, được nhân dân tin yêu như con em ruột thịt thì quân đội mới có được những thuận lợi trong chiến đấu, công tác, sản xuất cũng như trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Cách xa dân, không gắn bó với nhân dân, không liên hệ mật thiết với nhân dân, không dựa vào dân thì quân đội không thể có sức mạnh, không thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn hơn 70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta đã cho thấy, nguồn gốc sức mạnh của quân đội không chỉ bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự quan tâm của các tổ chức chính trị xã hội, từ sức mạnh bên trong của quân đội, mà còn bắt nguồn từ sự đoàn kết giữa quân đội với nhân dân, sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân đối quân đội.

Lời dạy của Bác năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn đối với mọi cấp, mọi ngành, mọi người, cần được triển khai sâu rộng trong toàn xã hội và toàn quân. Đối với quân đội, phải phát huy bản chất cách mạng, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên trì xây dựng, phát triển mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân; tôn trọng, giúp đỡ, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; một lòng, một dạ chiến đấu bảo vệ nhân dân, luôn luôn giữ nghiêm kỷ luật quan hệ quân - dân, không phụ lòng tin yêu của nhân dân; tích cực giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, “xóa đói giảm nghèo”, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia phong trào “Đền ở đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”... Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng học tập, rèn luyện, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, thực hiện tốt lời dạy của Người: “phải dựa vào nhân dân, không được xa rời dân, nếu không thế thì sẽ thất bại”.

Nguồn:
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1768369999940314&set=a.129669940477003&type=3&theater&ifg=1
















Xem thêm: 
  1. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 22/2018
  2. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 23/2018
  3. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 24/2018
  4. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 25/2018
  5. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 26/2018
  6. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 27/2018
  7. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 28/2018
  8. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 29/2018
  9. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 30/2018
  10. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 31/2018
  11. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 32/2018
  12. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 33/2018
  13. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 34/2018
  14. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 35/2018
  15. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 36/2018
  16. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 37/2018
  17. Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 38/2018
  18. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 39/2018
  19. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 40/2018
  20. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 41/2018
  21. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 42/2018
  22. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 43/2018
  23. - Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 44/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét