Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 30/2018





Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 
Ngày 23/7/1955
“Chúng ta phải học tinh thần tự lập tự cường, tinh thần hăng hái thi đua sản xuất và tiết kiệm của nhân dân các nước bạn… Chúng ta phải bồi dưỡng lòng nồng nàn yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính.”
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người nói trong Báo cáo về việc đoàn đại biểu của Chính phủ ta đi thăm Liên Xô và Trung Quốc, ngày 23 tháng 7 năm 1955 ở Quảng trường Thụy Khuê (Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là kết quả của sự đoàn kết, anh dũng chiến đấu của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc. Qua đó, Người đã khích lệ, động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cần phải khắc phục tâm lý trông chờ, ỉ lại, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của các nước bạn; mà cần phải nêu cao tính độc lập, tự chủ, tự cường, lòng yêu nước và tinh thần quốc tế trong sáng để tiếp tục phấn đấu giành nhiều thắng lợi hơn nữa cho cách mạng nước nhà.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị to lớn đối với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta; ngày đầu thành lập, chỉ với 34 cán bộ, chiến sĩ, vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm; thi đua giết giặc lập công; sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân và đặc biệt, là sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cùng với toàn Đảng, toàn dân đánh thắng đế quốc, thực dân xâm lược, giải phóng đất nước, lập nên truyền thống vẻ vang “quyết chiến, quyết thắng”, luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Hiện nay, toàn quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng theo hướng cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.





Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 
Ngày 24/7/1962 “Tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là cái xấu xa do xã hội cũ để lại, như cái ung nhọt còn sót lại trên thân thể của người khổng lồ. Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khỏe thêm.”

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ngày 24 tháng 7 năm 1962. Đây là giai đoạn nước ta đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam.

Trong bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là điều xấu xa và có nguyên nhân trong xã hội cũ; đi ngược lại mục tiêu của xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng; nó là cái ung nhọt còn sót lại mà chúng ta cần phải gạt bỏ bằng sự quyết tâm chính trị và công khai, dân chủ để tạo sự đồng thuận cao làm cho xã hội ngày càng phát triển tốt hơn. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Người đứng đầu Đảng, Chính phủ trong đấu tranh loại bỏ tệ xấu đó; qua đó, đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của việc đấu tranh phòng chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong kháng chiến, kiến quốc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.


Quán triệt và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta lãnh đạo toàn dân, toàn quân giành được thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiến hành sự nghiệp đổi mới giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, coi đây là giặc nội xâm cần phải loại trừ để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy, để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.


Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị. Thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phòng trào thi đua, các cuộc vận động; tiêu biểu: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Yêu xe như con, quý xăng như máu”… tổ chức cho cán bộ, đảng viên cam kết chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, qui định của Đảng, của quân đội về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; hằng năm triển khai tốt việc kê khai tài sản cá nhân, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chi bộ, các tổ chức quần chúng trong đơn vị; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; duy trì nền nếp, chất lượng Ngày chính trị, văn hóa, tinh thần và chế độ công khai tài chính ở đơn vị; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm… góp phần thiết thực xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1624440574333258&set=a.129669940477003.23251.100003019932872&type=3&theater




LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA:Ngày 25/7/1949

“Cũng như chim muốn bay cần phải có hai cánh; một cuộc chiến tranh muốn thắng lợi, cần phải có hai lực lượng chính: quân sự và chính trị”.

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Báo cáo “Tình hình thế giới và trong nước tháng 6 và tháng 7 năm 1949” tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 25 tháng 7 năm 1949. Đây là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã vượt qua giai đoạn cầm cự và chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn phòng ngự và mở rộng tuyên truyền đối ngoại; qua đó, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta chống lại đế quốc, thực dân xâm lược, giải phóng đất nước.

Với nhãn quan chính trị sắc sảo, Hồ Chí Minh thấy rất rõ mối quan hệ chặt chẽ về cuộc chiến tranh khi đề cập đến tình hình trong nước, lực lượng chính trị và lực lượng quân sự như hai cái cánh của một con chim và con chim muốn bay thì hai cái cánh đó phải mạnh. Cùng với những nhận định của các nhà chính trị, quân sự và báo chí nước ngoài, Hồ Chí Minh đã kết luận về quân sự thì lực lượng Pháp từ mạnh lui xuống yếu và sẽ lui nữa. Lực lượng ta từ yếu tiến lên mạnh và sẽ tiến mãi. Còn về chính trị thì chính trị của Pháp đã cũ rích, lỗi thời, lạc hậu, ngoài thủ đoạn chia để trị và sử dụng việt gian, bù nhìn, chúng không có gì khác. Trong khi đó, chính trị của ta thì rất rõ ràng, nhất quán, trước sau như một là toàn dân đoàn kết, kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Thêm nữa, tình hình dân chủ thế giới rất có lợi cho ta. Do đó, cánh ta đã vững, gió lại thuận chiều, cho nên ta nhất định thắng lợi.

Thấu triệt tinh thần chỉ đạo của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính nghĩa của cuộc kháng chiến nhằm phát triển lực lượng chính trị, lực lượng quân sự, khích lệ, động viên kịp thời quân và dân ta anh dũng chiến đấu, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước thu được những thành tựu quan trọng.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị to lớn trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; từ Quân ủy Trung ương đến cấp cơ sở đã luôn quán triệt và thực hiện nhất quán quan điểm nhiệm vụ quân sự phải quán triệt và tuyệt đối phục tùng nhiệm vụ chính trị của Đảng, của cách mạng. Quan tâm giải quyết căn bản mối quan hệ chính trị và quân sự, tinh thần và vật chất, chất lượng và số lượng, bên trong và bên ngoài, con người và vũ khí… có mối quan hệ hữu cơ, làm điều kiện cho nhau và thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, phẩm chất, đạo đức lối sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, kỷ luật tự giác, nghiêm minh, ra sức học tập, rèn luyện về mọi mặt, làm chủ vũ khí trang bị, khoa học công nghệ… đã tạo và nhân lên sức mạnh tổng hợp để Quân đội ta chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, xứng đáng với niềm tin yêu và là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, Nhân dân.




Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1625966807513968&set=gm.878795075654862&type=3&theater&ifg=1
https://www.facebook.com/loibachoday/videos/2042876009070496/






Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 

Ngày 26/7/1962, BÁC dạy “Mọi người công dân - già trẻ gái trai - đều phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà. Mọi người phải nâng cao tinh thần trách nhiệm cần kiệm xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.” 

Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hải Dương khi Người về thăm và làm việc tại địa phương, ngày 26 tháng 7 năm 1962. Đây là thời kỳ miền Bắc đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam chiến đấu anh dũng chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà.

Theo Hồ Chí Minh, dưới chế độ mới - chế độ Dân chủ nhân dân, mọi công dân phải có tinh thần làm chủ đất nước, phải khắc phục tư tưởng làm thuê, làm mướn dưới chế độ thuộc địa, nửa phong kiến và phải chống chủ nghĩa cá nhân. Phải không ngừng phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình, đề cao trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập, công tác và thực hành tiết kiệm, thật sự là người chủ xây dựng đất nước. 


Ngày nay, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng gay gắt; sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lời dạy trên của Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa thực tiễn to lớn; bởi, chỉ có đề cao tinh thần tự lực, tự cường, làm chủ mới có sự sáng tạo và chỉ có sáng tạo mới tạo ra những giá trị mới đáp ứng cho sự phát triển bền vững và bảo đảm cho thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lời Bác dạy, có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm cho quân đội thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong bất luận mọi điều kiện, hoàn cảnh phải tuyệt đối trung thành và sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; ra sức học tập nâng cao trình độ mọi mặt; tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo quản, giữ gìn, khai thác và phát huy tốt nhất sức mạnh của vũ khí, trang bị; thực hành cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thờ ơ, ngại rèn luyện, kém phấn đấu; nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1627449457365703&set=gm.879950698872633&type=3&theater&ifg=1




Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa
Ngày 27 tháng 7
“Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để tranh lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc”

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi Ban Tổ chức Trung ương ngày thương binh liệt sĩ” viết ngày 27 tháng 7 năm 1950. Đây là giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng và có bước phát triển mạnh. Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch trên hướng biên giới Đông Bắc thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nhằm mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Mặc dù bận bộn bề nhiều công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian viết thư thăm hỏi anh em thương binh, gia đình các tử sĩ và Người gửi tặng 01 tháng lương của mình góp vào quỹ, thể hiện sự tri ân đối với các thương binh, liệt sĩ. Qua đó, Người cũng động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng để giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và cũng để trả thù cho các thương binh, tử sĩ đã anh dũng hi sinh, hiến dâng máu đào tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để Tổ quốc được độc lập, tự do, thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của các liệt sĩ, thương binh sẽ sống mãi với non sông Việt Nam.

Nguồn:





Lời Bác Hồ dạy: Ngày 28/7/1954
“Hòa bình cũng như kháng chiến, chúng ta quyết không nên vì thắng mà kiêu. Toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta cần phải ghi nhớ mà thực hành”.


Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Hội nghị Giơnevơ thắng lợi lớn”, viết ngày 28 tháng 7 năm 1954 được Báo Nhân dân đăng trên số 209, từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 7 năm 1954. Đây là lúc nhân dân ta vui mừng, phấn khởi với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Điều đó là hoàn toàn xứng đáng, nhưng cảm giác đó cũng dễ dẫn đến tâm lý tự kiêu, say xưa chiến thắng mà thỏa mãn dừng lại. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã phân tích và làm sâu sắc hơn thắng lợi của nhân dân ta trong Hội nghị Giơnevơ nói riêng, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung. Người không quên nhắc nhở nhân dân và quân đội ta cần nhận rõ, thắng lợi đó rất quan trọng nhưng chỉ là bước đầu trên con đường đi tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng thống nhất, hành động nhất trí, ra sức đấu tranh để: Củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, xây dựng dân chủ thật sự. Chúng ta đã giành thắng lợi trong kháng chiến, nhất định sẽ thành công trong hòa bình.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, là phương châm hành động để cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn quân quán triệt và thực hiện có hiệu quả trong lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, xây dựng tinh thần đoàn kết toàn quân một ý chí, tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn thấu triệt lời thề: Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, giữ vững và phát huy tốt truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Nguồn:





Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa
Ngày 29 tháng 7
“Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra”


Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29 tháng 7 năm 1964. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang diễn ra rất ác liệt, đòi hỏi phải tập trung mọi mặt để thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng; giữ gìn tốt kỷ luật; các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, bảo đảm cho mọi chủ trương, đường lối, chính sách được thực thi nghiêm túc, nhất quán, đạt hiệu quả cao.

Quán triệt và thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác, cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp trong toàn Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm thông qua việc ban hành đồng bộ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, quy định về trách nhiệm nêu gương; quy định các điều đảng viên không được làm, về quy trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp… đã trực tiếp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng “vừa hồng, vừa chuyên”, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vẻ vang trong công cuộc kháng chiến kiến quốc và thành công trong sự nghiệp đổi mới, như Bác hằng mong muốn “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Nguồn: 











Xem thêm: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét