Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Học tập "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" tuần 31/2018






Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 

Ngày 30/7/1950, BÁC dạy “Xin chỉ thị trước khi làm, gửi báo cáo khi làm xong - là một điều rất cần thiết, để làm cho chính sách của Chính phủ và Đoàn thể thấu suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên” . 

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Xin chỉ thị, gửi báo cáo”, đăng trên Báo Sự thật, số 137, ngày 30 tháng 7 năm 1950. Đây là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn ác liệt, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, một số địa phương, cán bộ, đảng viên chấp hành chưa nghiêm chế độ báo cáo, xin chỉ thị hoặc có làm nhưng chất lượng thấp ảnh hưởng chung đến sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của cả nước. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Xin chỉ thị, gửi báo cáo” để kịp thời trấn chỉnh tình hình đó.

Lời dạy của Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc về tính tổ chức, tính kỷ luật của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa phương; khắc phục tình trạng biệt lập, cục bộ, qua đó tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công và giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.


Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải luôn nhận thức đúng và thường xuyên rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp báo cáo, xin chỉ thị của cấp trên và các cơ quan chức năng; đặc biệt, trước những nhiệm vụ lớn, những nội dung mới liên quan đến nhiều lực lượng và có phạm vi ảnh hưởng rộng cần phải có sự phối hợp để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn đề cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng, chính xác các mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên và báo cáo kết quả thực hiện phải trung thực, kịp thời, không che dấu khuyết điểm, hạn chế. Kiên quyết đấu tranh phê phán phương pháp, tác phong làm việc tùy tiện, chủ nghĩa kinh nghiệm; báo cáo thiếu trung thực, làm thì kém, báo cáo thì hay… ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1633630500080932&set=gm.884339818433721&type=3&theater&ifg=1





Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 
Ngày 31 tháng 7
“Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”, đăng trên Báo Nhân dân, số 68, ngày 31 tháng 7 năm 1952. Đây là thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước sang giai đoạn gay go, ác liệt, đòi hỏi phải đoàn kết chặt chẽ, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tuy nhiên, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên xuất hiện biểu hiện tham ô, lãng phí, quan liêu, đã được nhân dân phê bình nhưng còn có dấu diếm, chưa kiên quyết kiểm thảo và sửa chữa không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ. Ngày nay, tham nhũng, lãng phí được Đảng ta coi là giặc nội xâm, là đồng minh của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, cần phải kiên quyết đấu tranh để bài trừ khỏi đời sống xã hội.

Những tư tưởng về chống tham ô, lãng phí của Bác Hồ mang tầm chiến lược và có giá trị thực tiễn vô cùng sâu sắc. Thấu triệt tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, qui định và các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mở rộng dân chủ rộng rãi ở cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng, gắn với phát động và động viên sự giám sát của nhân dân theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm để loại bỏ thứ giặc nội xâm ra khỏi đời sống xã hội đã trực tiếp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với chế độ góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thành công trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1635140683263247&set=gm.885369204997449&type=3&theater&ifg=1
https://www.facebook.com/loibachoday/videos/2053222374702526/












Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 
"Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa”.

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người nói trong bài phát biểu tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, ngày 01 tháng 8 năm 1960, Báo Nhân dân đăng trên số 2327, ngày 02 tháng 8 năm 1960.

Đây là giai đoạn miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đuổi đế quốc Mỹ và tay sai, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội càng được chú trọng, số lượng phụ nữ công tác trong các cơ quan chính quyền từ trung ương đến cơ sở tăng cao; đặc biệt, trong Quốc hội khóa II có tới 53 đại biểu Quốc hội là nữ. Khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ và đó cũng là một thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy: “Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa”, kế thừa và phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; từ các phong trào thi đua rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, tiêu biểu với các phong trào thi đua “Ba đảm đang”, phong trào “Đồng khởi”… đã xuất hiện nhiều nữ anh hùng dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được lịch sử vinh danh, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc, xứng đáng với 8 chữ Vàng Bác Hồ trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.


Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, phát triển hiện nay, lời Bác Hồ dạy năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn để các thế hệ phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, ngày càng có nhiều phụ nữ phấn đấu trở thành chính trị gia, nhà khoa học giỏi, nhà quản lý năng động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.


Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phương hướng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, phụ nữ Quân đội tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, học tập, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để cùng với phụ nữ cả nước thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy năm xưa./.



Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1636717266438922&set=a.129669940477003.23251.100003019932872&type=3&theater&ifg=1
https://www.facebook.com/loibachoday/videos/2053224741368956/





Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 
Ngày 02 tháng 8
“Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”.

Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên, đầu tháng 8 năm 1959.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy, nhà giáo dục vĩ đại. Cả cuộc đời Người đã đào tạo biết bao thế hệ cán bộ, những chiến sĩ ưu tú cho cách mạng và dành nhiều tình cảm quan tâm đến với các thầy, cô giáo. Bác đặc biệt đề cao vai trò của người thầy, bởi người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, khơi nguồn sáng tạo mà còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức cho học sinh noi theo qua từng giờ lên lớp. Người thầy là những người “đạo cao”, “đức trọng”, người có uy tín được xã hội tôn kính. Có thể nói, ở bất cứ xã hội nào nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Do vậy, người thầy phải có lập trường tư tưởng đúng, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có chuyên môn giỏi và không ngừng được phát triển, sáng tạo thì mới hoàn thành trọng trách vẻ vang mà xã hội tin tưởng trao gửi.

Thấu triệt lời Bác dạy, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn khắc ghi tinh thần “chính trị là linh hồn” mà Bác đã huấn thị “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự” và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội; phù hợp với yêu cầu, nội dung của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. 


Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phải tập trung giáo dục, rèn luyện bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có thái độ phân biệt đúng, sai, không dao động trước các tác động tiêu cực, khó khăn, hiểm nguy. Nói và làm đúng nghị quyết; ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; giữ vững và không ngừng phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1638285996282049&set=gm.887705801430456&type=3&theater&ifg=1




Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 
"Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: Bí mật - cẩn thận - khôn khéo - kiên nhẫn”.

​Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng tình báo quốc phòng, ngoài những lần gặp gỡ, trò chuyện thân ái với cán bộ, chiến sĩ, Bác còn gửi thư thăm hỏi, động viên; tại Hội nghị tình báo quốc phòng lần thứ 2, đầu tháng 8 năm 1949 Bác đã gửi thư và ân cần căn dặn những điều tâm đắc đối với ngành tình báo.

​Theo Bác, tình báo là một khoa học; do vậy, phải bí mật, tức là tuyệt đối tránh sơ suất; phải cẩn thận, tức là tuyệt đối tránh cẩu thả; phải khôn khéo, tức là tuyệt đối tránh luộm thuộm; phải kiên nhẫn, tức là tuyệt đối tránh hấp tấp. Đây là những nguyên tắc cơ bản của công tác tình báo và cũng là những đức tính cần phải có của mỗi cán bộ, chiến sĩ tình báo, chi phối toàn bộ quá trình tổ chức và hoạt động của tình báo quốc phòng. Hoạt động tình báo là hoạt động bí mật, quan hệ trong hoạt động tình báo là “cự ly, đơn tuyến”. Không giữ được bí mật thì không còn hoạt động tình báo. Có cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn mới bảo đảm được bí mật để hoạt động lâu dài và ngược lại. Thực tế đã chứng minh, nhờ có giữ tốt bí mật mà nhiều cán bộ, chiến sĩ tình báo của ta đã thâm nhập được vào các cơ quan đầu não của địch, hoạt động trong thời gian dài. Nhờ có khôn khéo, cẩn thận, kiên nhẫn nên đã tác động, chuyển hóa được quần chúng tham gia phục vụ cho cách mạng, kể cả những người đứng trong hàng ngũ địch, cung cấp những tin tình báo có giá trị, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Học tập và làm theo lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sĩ tình báo quân đội phải luôn quán triệt, học tập, tu dưỡng rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm bí mật trong mọi công việc, trong mọi tình huống. Làm việc phải cẩn thận, tỉ mỉ, cụ thể, chu đáo, không chủ quan mất cảnh giác, trước mọi công việc, phải luôn thận trọng, hiểu thật rõ, phải xem xét mọi mặt, phải dự tính, lường trước mọi tình huống, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, nguyên tắc…Phải thật khôn khéo, sáng suốt, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, nhanh nhạy, tinh thông, nâng cao cảnh giác cách mạng, tuyệt đối không để địch mua chuộc, lôi kéo, khống chế. Phải kiên trì, nhẫn nại, bền gan, vững chí, tin tưởng vào chính mình, vào đồng đội và tin vào chiến thắng góp phần giữ vững, tô thắm truyền thống 16 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, độc lập sáng tạo, bí mật khôn khéo, đoàn kết quyết thắng”, xứng đáng là “tai, mắt” tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng.




Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1639788182798497&set=pcb.888784447989258&type=3&theater&ifg=1
https://www.facebook.com/loibachoday/videos/2063956380295792/




Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa 
Ngày 04 tháng 8
“Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”

Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Máy bay “phản lực” phản Mỹ”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 2135, ngày 04 tháng 8 năm 1952. 

Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt; với sự giúp sức của các đồng minh, thực dân Pháp tập trung huy động và đưa vào chiến trường Đông Dương các loại vũ khí trang bị hiện đại nhằm cứu vãn tình thế bất lợi đối với quân đội Pháp đang diễn ra trên chiến trường. Trước tình hình đó, yêu cầu đặt ra đối với Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xây dựng và phát huy tốt nhân tố chính trị, tinh thần cho quân và dân ta, quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Lênin đã chỉ rõ “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”. Tuy nhiên, nhân tố chính trị, tinh thần không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, của tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hình thành từ nhận thức sâu sắc về tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố chính trị, tinh thần đã góp phần làm chuyển hóa lực lượng, tạo thế và lực, kết nối tất cả các nguồn lực, các nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta, là sức mạnh của cả dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.


Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1641739879269994&set=a.129669940477003.23251.100003019932872&type=3&theater&ifg=1














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét