Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Đọc báo - Cuộc phẫu thuật “3 trong 1” của những chiến sĩ áo trắng


http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/hau-phuong-nguoi-linh/cuoc-phau-thuat-3-trong-1-cua-nhung-chien-si-ao-trang/397871.html
Cuộc phẫu thuật “3 trong 1” của những chiến sĩ áo trắng

QĐND - Thứ tư, 13/01/2016 | 19:50 GMT+7
QĐND Online - Chiều 13-1, khu chăm sóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Quân y 7A (Quân khu 7) rộn rã tiếng cười. Nhiều người thân đã đến chúc mừng gia đình sản phụ Nguyễn Thị Hồng Diễm, 33 tuổi, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Sản phụ Diễm vừa trải qua một cuộc phẫu thuật “3 trong 1” do kíp mổ của Bệnh viện Quân y 7A (Quân khu 7) thực hiện, giúp giành lại sự sống của cả mẹ và con trong tình huống nguy kịch, bị tai biến sản khoa hiếm gặp.
Bác sĩ Bệnh viện Quân y 7A thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật đang dần hồi phục.
Sản phụ Diễm được người thân đưa vào nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 7A vào chiều 12-1. Qua thăm khám, bác sĩ trực xác định sản phụ có nhiều dấu hiệu sinh, xuất huyết mỗi lúc càng nhiều, sức khỏe yếu. Xác định đây là một ca cấp cứu phức tạp, nên các bác sĩ nhanh chóng đề nghị cấp trên tiến hành hội chẩn khẩn cấp.  Thượng tá, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Ngọc Chí, Phó ban điều hành Khu kỹ thuật cao Bệnh viện Quân y 7A cho biết: Sau khi hội chẩn khẩn cấp, do tình trạng quá nguy kịch, bệnh nhân được đưa thẳng vào phòng mổ dù chưa kịp thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, để mổ bắt con, đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và con. Khi em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ thì sản phụ Diễm tiếp tục bị xuất huyết nhiều, các bác sĩ xác định bị nhau tiền đạo, một dạng tai biến sản khoa hiếm gặp và có nguy cơ tử vong rất cao. Thông thường, để xử trí cấp cứu một ca bị nhau tiền đạo đòi hỏi các bác sĩ phải kinh nghiệm chuyên môn giỏi, do các bệnh viện tuyến cuối chuyên về sản khoa thực hiện và điều không thể thiếu là phải có ngân hàng máu để tiếp trong quá trình phẫu thuật.
Tình huống rất bất ngờ, nhưng nhờ sự bình tĩnh và có sẵn các phương án, Bệnh viện đã nhanh chóng huy động phương tiện, con người lưu động đưa máu từ hai ngân hàng máu thuộc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh đưa về Bệnh viện Quân y 7A phục vụ cho ca phẫu thuật. Lúc này, sản phụ Diễm vẫn liên tục bị xuất huyết nhiều, huyết áp hạ thấp ở mức nguy hiểm đến tính mạng. Trước tình huống nguy hiểm này, Kíp mổ đã quyết định tiến hành cắt tử cung để ngăn cản quá trình xuất huyết, xử trí tình trạng rách bàng quang. Các chỉ định này đã được thực hiện kịp thời và sau đó bệnh nhân đã không còn tình trạng xuất huyết, huyết áp dần ổn định và qua cơn nguy kịch. Bác sĩ, Thạc sĩ Trương Hoàng Thục Vũ, thành viên trong Kíp phẫu thuật cho biết: Khó khăn của ca phẫu thuật là khó tiên lượng trước được do bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Trong quá trình phẫu thuật, Kíp phẫu thuật đã thực hiện cuộc phẫu thuật “3 trong 1” khi đồng thời thực hiện: phẫu thuật bắt con, phẫu thuật cắt tử cung, phẫu thuật vá bàng quang. Mặt khác, nhờ huy động kịp thời lượng máu lớn với mức 6.380 ml để tiếp cho bệnh nhân đã giúp cho ca phẫu thuật thành công sau 4 giờ đồng hồ, giành lại sự sống cho cả mẹ và con.
Bài và ảnh: TRUNG KIÊN


Xem thêm




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét