Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Đọc báo - Nghiên cứu khoa học từ cái tâm của người thầy thuốc

Bài báo 'không cũ lắm' về Giám đốc mới của Bệnh viện 7A
 ***********************************************


Nghiên cứu khoa học từ cái tâm của người thầy thuốc

QKQD - Thứ Ba, 14/05/2013, 17:44 (GMT+7)
Thượng tá Bác sĩ Lê Quang Trí
Nghiên cứu khoa học là giấc mơ, là khát vọng vì người bệnh, những đề tài gai góc làm ngao ngán nhiều người nhưng anh lại lao vào nghiên cứu vì người bệnh, cái “Tâm” của người thầy thuốc đặt trên chuyện sinh tử của bệnh nhân, anh là niềm tin yêu của đồng nghiệp và sự trông đợi của người bệnh. Câu chuyện của Thượng tá Bác sĩ Lê Quang Trí, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa khám điều trị ngoại Bệnh viện Quân dân miền Đông là một điển hình.
Tấm lòng vì người bệnh
Muốn gặp anh để trao đổi nhiều, nhưng lần nào anh cũng chỉ dành vỏn vẹn cho tôi mười phút, đó là quỹ thời gian ít ỏi trong lúc giao ca để chuẩn bị cho ca mỗ tiếp theo. Thời gian của anh là vậy! lúc nào cũng bận bịu, tất bật. Tôi hiểu được điều đó, bởi người bệnh đang chờ anh, họ cần đôi bàn tay mềm mại và cái đầu tỉnh táo của anh để gắn kết vận mệnh con người giữa sống và chết. Tôi đành lượm lặt ở những người đồng đội, đồng nghiệp để viết về anh.
Anh Lê Quang Trí, sinh ra và lớn lên ở xã Phước Lộc, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp Bác sĩ quân y năm 1992 về đơn vị công tác, mặc dù gặp khó khăn rất nhiều về cơ sở vật chất, về điều kiện làm việc, bên cạnh sự chật vật về kinh tế của gia đình. Trong khi đó Khoa chấn thương chỉnh hình – Thần kinh – Bỏng (B1) hằng năm phải đối mặt hơn 30.000 người bệnh, thu dung điều trị trên 1500 người/năm, tỷ lệ sử dụng giường bệnh lên đến 221,5%. Sự sơ suất, hay kém hiểu biết, thiếu trách nhiệm của bác sĩ sẽ làm người bệnh tử vong, hoặc mang di chứng suốt đời. Những nỗ lực vì người bệnh là trên hết không thể làm ngơ với những ca bệnh đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật cao “Học ở trường chưa đủ tôi lao vào tự học và nghiên cứu. Cứ nghĩ đến người bệnh quằn quại đau đớn như có ma lực thu hút tôi. Miệt mài, tìm tòi nghiên cứu như bản chất nông dân vốn có trong tôi, chịu khổ chịu khó trong mọi điều kiện miễn cho ra kết quả tốt nhất là được” như lời anh tâm sự. Được biết, riêng anh hằng năm phải phẫu thuật cho gần 2000 lượt người bệnh, trong đó phẫu thuật kỹ thuật cao như: thay khớp gối, thay khớp háng, nội soi tái tạo dây chằng khớp gối, khớp vai, vi phẫu thuật nối mạch máu, nối chi cứu sống và giữ lại bàn tay lao động cho người bệnh, phẫu thuật làm cứng cột sống trong điều trị bệnh lý cột sống và lấy nhân đệm trong thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật kết hợp xương kỹ thuật cao. Trong hoàn cảnh bệnh viện còn thiếu về cơ sở vật chất và một số trang thiết bị hiện đại khác, cơ sở hạ tầng xuống cấp anh và đồng nghiệp phải tìm cách khắc phục, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm tiêu hao, động viên nhau chăm sóc và điều trị tích cực, đạt hiệu quả cao nhất cho người bệnh, được nhân dân và đồng nghiệp tin yêu.
Những thành công ban đầu
Trong nghiên cứu khoa học, một số nghiên cứu anh đã công bố trên các tạp chí trong nước và đã tìm cho mình một hướng đi riêng cho 5 đề tài khoa học tại bệnh viện và sáng kiến khoa học “Khung cố định ngoài vùng mấu chuyển xương đùi”, đề tài này ấp ủ hơn 10 năm nghiên cứu và đã ứng dụng giúp cho những người bệnh già yếu không may bị té ngã gãy xương vùng mấu chuyển xương đùi, có thể phục hồi sự vận động của mình, nếu không có sự can thiệp của khung cố định ngoài thì tỷ lệ tử vong của những người bệnh này là hơn 30%, và tỷ lệ tàn tật là hơn 50%. Trong nghiên cứu của anh hiện nay, tỷ lệ tử vong là 1 -2% và tỷ lệ tàn tật là 6%. Sáng kiến thứ hai “Bàn phẫu thuật tư thế ngồi thư giãn”. Đặc biệt 2 sáng kiến khoa học của anh đã làm lợi cho bệnh viện hàng trăm triệu đồng, được Bộ Tư lệnh quân khu tặng bằng khen về thành tích trong nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật năm 2008, đạt 2 giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật quân khu 7 lần thứ nhất 2009 “Khung cố định ngoài vùng mấu chuyển xương đùi” và lần thứ hai năm 2011“Bàn phẫu thuật tư thế ngồi thư giãn”.
Anh tiếp tục lặng lẽ nghiên cứu và học tập nâng cao. Năm 2000: hoàn thành chương trình Chuyên khoa cấp I. Năm 2006: hoàn thành chương trình Chuyên khoa cấp II và bắt đầu chương trình Nghiên cứu sinh từ năm 2009. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên tại bệnh viện, anh còn tham gia phẫu thuật ở các bệnh viện bạn trong và ngoài quân đội. Anh được mời đích danh tham dự các chương trình hội thảo chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình tại Mỹ, Đức, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Hàn Quốc; được tham gia học tập và làm việc với đồng nghiệp nước ngoài và nhận được những sự khích lệ quý giá. Thành công từ những nghiên cứu khoa học với “tấm lòng vì người bệnh” anh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2010; Bộ Quốc phòng tặng bằng khen 2010; Bộ Y tế tặng bằng khen (giai đoạn 2006-2010); Danh hiệu chiến sỹ thi đua 05 năm liền (2008, 2009, 2010, 2011, 2012).
Bên cạnh đó là bác sĩ có chuyên môn giỏi anh còn là Đảng viên gương mẫu, đảm nhiệm tốt công tác quản lý, chỉ huy trong bệnh viện trên cương vị Phó giám đốc và trưởng khoa Khám và điều trị ngoại. Với những dự định mở rộng đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ điều trị chấn thương chỉnh hình, hy vọng vì cái “Tâm” của người thầy thuốc anh sẽ gặt hái được nhiều thành công, đem lại niềm vui cho người bệnh.
Trần Rô



Đọc báo - Hiệu quả sau một năm hoạt động




QKQD - Thứ Năm, 29/08/2013, 19:18 (GMT+7)

Trước tình trạng “quá tải” tại các bệnh viện ở TPHCM đang gây nhiều vất vả cho bệnh nhân, tháng 8-2012, Cục Hậu cần Quân khu 7 đã quyết định thành lập Khu chuẩn đoán điều trị kỹ thuật cao thuộc Bệnh viện 7A (BV 7A) ở số 83 An Dương Vương, phường 8, quận 5. Chỉ 1 năm đi vào hoạt động, những người lính mặc áo blouse trắng ở Khu kỹ thuật cao BV 7A thuộc QK7 đã gặt hái nhiều kết quả đáng mừng…
Đại tá, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Bệnh viện 7A trao giấy khen cho những cá nhân tiêu biểu của Khu Kỹ thuật cao sau 1 năm hoạt động
Thượng tá, bác sĩ Trương Hoàng Việt, Trưởng ban điều hành Khu Kỹ thuật cao của BV 7A báo tin vui: “Sau 1 năm chính thức hoạt động, bình quân mỗi tháng đội ngũ y, bác sĩ Khu kỹ thuật cao đã khám và điều trị bệnh cho gần 2.000 lượt bà mẹ, 1.200 lượt trẻ em và hàng ngàn lượt bệnh nhân khác, góp phần giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện lớn tại TP”. Khi thành lập Khu khám chữa bệnh kỹ thuật cao, Ban Giám đốc BV 7A liền phân công các cán bộ sĩ quan đồng thời là bác sĩ quân y chủ chốt của các khoa sang điều hành công việc, phối hợp với các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ cao cấp của các bệnh viện như: Bệnh viện 175, Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình TP, Hùng Vương, Nhi Đồng, Mắt, Đại học Y Dược và 150 y bác sĩ ở 50 phòng khám vệ tinh của BV 7A cùng khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhằm đạt kết quả tốt nhất, mang lại sức khỏe cho người dân.
Nhờ có “bộ đội vào cuộc” mà đa số bệnh nhân đến đây chữa bệnh đều rất tâm đắc về thái độ phục vụ nhiệt tình tận tâm của đội ngũ y bác sĩ. Vui hơn là chi phí khám chữa bệnh cũng rẻ hơn, giá thuốc lại thấp hơn nơi khác và thời gian chờ đợi cũng giảm nhiều. Bà Nguyễn Thị Bé, hơn 70 tuổi, quê ở Long An bị một khối u rất lớn, đi nhiều bệnh viện khác chạy chữa đều bị “bác sĩ chê”. Rất may người nhà đưa bà đến Khu kỹ thuật cao BV 7A thì được các bác sĩ điều trị cắt bỏ khối u bằng phương pháp mới với kỹ thuật cao. Đến nay bà đã lành bệnh và không khỏi xúc động: “Nhờ có các bác sĩ quân y cứu chữa mà tôi thoát chết. Tôi từng sống qua hai mùa kháng chiến nên luôn thấm thía một điều: bộ đội bao giờ cũng luôn hết lòng vì dân…”. Tiếng lành đồn xa, giờ đây ngày càng có nhiều bệnh nhân từ các tỉnh miền Tây, miền Trung và cả nước tìm đến đây chữa bệnh, đặc biệt là người dân ở 9 tỉnh miền Đông trên địa bàn QK7 đã xem BV 7A là thương hiệu thân quen. Có không ít bệnh nhân khăng khăng đòi ở lại BV 7A chữa bệnh vì họ đã gửi trọn niềm tin vào các bác sĩ quân y ở đây. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu, 31 tuổi, sau khi sinh bị mất máu nghiêm trọng có nguy cơ phải cắt bỏ tử cung, nhưng khi đến đây chị được các bác sĩ dùng phương pháp cầm máu kỹ thuật cao và đã điều trị thành công. Giờ đây sức khỏe của chị dần hồi phục, chị tâm sự: “Sức khỏe của tôi hồi phục thật ngoài sức tưởng tượng của cả gia đình, tôi không sao nói hết lòng biết ơn các bác sĩ quân y…”.  
Trước đây, bệnh nhân đến với BV 7A chỉ toàn là bộ đội, nay có cả người già, bà mẹ, trẻ em và dân thường nên đã tạo ra không khí mới mẻ, thắm đượm tình quân dân, chẳng thế mà bà con cứ tấm tắc: “Những người lính Cụ Hồ vừa chắc tay súng bảo vệ quê hương, vừa cao tay nghề trong khám và điều trị bệnh cứu người, giúp dân. Ơn bộ đội nhiều lắm…”. Tại phòng khám cho các bệnh nhi, bác sĩ Lê Thị Thanh Hương, nguyên Trưởng khoa sơ sinh BV Nhi Đồng 1 đang cùng ê kíp khám chữa bệnh làm việc không ngừng tay, người thì khám, kê toa thuốc, người thì chích ngừa cho các cháu, nghe tiếng trẻ rộn rã mà thấy mầm sống đang vươn lên mạnh mẽ. Tại phòng phụ sản, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cũng đang chuẩn bị cho một ca sanh mổ. Nhận xét về kết quả đạt được, đại tá Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc BV 7A khẳng định: “Ở bất cứ lĩnh vực nào dù khó khăn gian khổ đến mấy, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng. Trong ngành y, các chiến sĩ quân y BV 7A lại cứu người bằng tất cả tấm lòng. Hàng năm có nhiều y bác sĩ của BV 7A đã xung phong ra Trường Sa bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và ngư dân trên biển. Một lần nữa, trên lĩnh vực y tế, các chiến sĩ quân y thật xứng danh bộ đội Cụ Hồ… ”. .
TÙNG LÂM